Thuật tử vi từ thời Hán Cao Tổ

***

Nói về thuật số, chiêm tinh, xem tướng người Tàu nhận nhì không ai dám nhận nhất, từ rất xa xưa, người Trung Hoa đã biết bốc quẻ đoán mệnh, tương truyền Phục Hy dựa theo những vết nứt trên mai rùa mà luận ra quẻ bói và dạy dân chúng. Thầy bói nổi tiếng mà sử sách đề cập đến đầu tiên chắc là Cơ Xương, ông là Tây Bá Hầu, người đặt nền móng cho nhà Chu trong truyền thuyết. Ông từng gieo quẻ biết được phải bị giam cầm 10 năm ở Triều Ca nhưng vẫn đến theo lệnh Trụ Vương vì “ý trời khó tránh”, ông cũng biết được con cả Bá Ấp Khảo vì cứu mình mà phải táng mạng… Nhưng hôm nay cái tôi kể cho thiện nam tín nữ là một chuyện khác, câu chuyện sau đây nói về một nữ nhân có tài đoán sự như thần, là “cố vấn” thân cận của Lưu Bang: Hứa Phụ.

I. TUỔI TRẺ TÀI CAO

Tần Thủy Hoàng năm 26, tức 221 TCN, huyện lệnh Hà Nội lúc ấy tên là Hứa Vọng sinh ra một đức con gái, là đứa con gái đầu tiên sau ba đứa con trai. Nữ nhi này vừa sinh ra trên tay nắm chặt cục máu đông, nhìn từa tựa như hình bát quái, được 100 ngày liền có thể bập bẹ. Tần Thủy Hoàng nghe tin, cho là điềm lành, lệnh ban thưởng cho Hứa Vọng 100 dật vàng gọi là để nuôi nấng con gái. Hứa Vọng cảm thấy vui mừng, đặt tên con gái là Hứa Mạc Phụ, ý là chớ có phụ long ân của Thánh thượng.

Hứa Vọng vì không cô phụ kỳ vọng của Tần Thủy Hoàng, nên chăm sóc con gái không dám có chút sơ sẩy. Ông thấy con gái đích thực là có trí lực vượt xa người bình thường, khi đứa bé bốn tuổi thì bắt đầu dạy chữ. Trong một lần như vậy, ông nói qua cho con gái nghe về Chu Dịch, Bát Quái, tưởng rằng nghe rồi bỏ đó vì huyền cơ bên trong quá phức tâp với một đứa bé, nào ngờ sự lạ xảy đến như sau: Hôm đó vợ Hứa Vọng đem cho ông một chiếc bánh nướng, khi ông vào thư phòng thì thấy con gái đang xem đồ hình Bát Quái, miệng thì lẩm nhẩm, cao hứng, vọng bèn hỏi:

– Con hiểu được gì, nói cha nghe?

Cô bé lấy cái bánh trên tay cha rồi nói:

– Chu Dịch là nói về sự biến hóa, ví như đây là Chu Dịch (chỉ vào cái bánh nướng hình tròn), Chu Dịch phân ra Thái Cực (vạch 1 đường trên cái bánh), Thái Cực phân ra Lưỡng Nghi (tay bẻ cái bánh làm 2 phần theo đường đã vạch), Lưỡng Nghi sinh ra Tứ Tượng (bẻ tiếp làm bốn), Tứ Tượng biến hóa khôn lường (Bỏ hết cả 4 miếng bánh vào miệng nhai nuốt hết).

Hứa Vọng nghe xong đâm hoảng, không ngờ đứa con gái bé nhỏ có thể diễn giải khúc chiết một vấn đề phức tạp như thế, quên cả đói (vì con gái nó ăn mẹ mất cái bánh rồi), từ đó không quản đường xá xa xôi, thỉnh cao nhân về dạy dỗ cho con gái, nhưng vị thầy nào cũng chỉ dạy được dăm bữa nửa tháng cũng đều xin từ tạ, với lý do … hết cái để dạy rồi. Lại có người mách Hứa Vọng rằng:

“Đứa con gái này vốn là trời sinh, phàm phu tục tử không đủ khả năng để dạy. Đại nhân phải mời cao nhân về đảm nhận công việc này. Hiện nay cao nhân mà nói, ngoại trừ Quỷ Cốc tiên sinh ra, còn có vài vị đệ tử cao tay, như Từ Phúc, Lô Ngạo, Hoàng Thạch Công. Từ Phúc, Lô Ngạo thì đã đi ra biển để tìm thuốc trường sinh bất lão cho Thủy Hoàng Đế rồi, Quỷ Cốc tiên sinh bởi vì tuổi tác đã cao nên không còn thu nhận đồ đệ, chỉ còn Hoàng Thạch Công vẫn còn tại vị ở trong núi Dĩnh Xuyên. Hoàng Thạch Công am hiểu thâm sâu về thần tiên chi đạo, tinh thông bí mật tam Chu dịch, am hiểu thuật nhân tướng, nữ nhi nếu có thể bái vị này làm sư, tiền đồ là không thể đoán được”.

Tuy nhiên, khi hai cha con đi vào núi Dĩnh Xuyên thì biết được Hoàng Thạch Công đã đi ngao du sơn thủy, đành quay về. Một hôm nọ, khi Phụ đang ra ngoài thành chơi thì từ đâu một ông lão râu tóc bạc trằng đi đến, nhìn Phụ hồi lâu, ông già nói: Này cháu bé, ta khát khô cổ rồi, cho ta xin chén nước được không? – Phụ vâng dạ rồi chạy đi, khi quay lại thì người đã đi đâu mất, chỉ còn lại một cuộn giấy lụa vứt lăn lóc trên đất bên ngoài có dòng chữ viết “Quỳ hoa bảo điển”, ấy nhầm, là “Tâm khí bí chi”. Cùng ngày hôm đó, ở Hạ Bì, chàng thanh niên Trương Lương ba lần nhảy xuống cầu nhặt dép cho 1 ông già quái đản và được truyền cho bộ sách Tam Lược (Quân/Trận/Tướng Lược) – và cũng là do Hoàng Thạch Công truyền lại… Có sách quý, cả Hứa Mạc Phụ và Trương Lương đều ra sức nghiền ngẫm, tự học, cho đến 10 năm sau …

II. RỒNG GIỮA NHÂN GIAN

Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng chết, thái giám Triệu Cao dùng công tử Hồ Hợi ép chết Phù Tô để lũng đoạn triều đình. Thiên hạ chưa yên được bao lâu lại loạn, Hứa Mạc Phụ lúc này quyết định đổi tên thành Hứa Phụ nhằm tránh liên quan đến nhà Tần. Huyện Hà Nội, khi ấy nằm trên con đường chính dẫn đến kinh thành Hàm Đan, thời đó dân bị bắt đi phu xây lăng tẩm, xây Vạn Lý Trường Thành thường đi ngang qua Hà Nội trước khi tập kết về Hàm Đan. Một ngày kia Hứa Phụ ra đường thấy 1 tốp lính đang áp giải 1 tốp dân phu đi gấp cho kịp, 2 người trưởng quan liên tục hối thúc đoàn phu đi cho lẹ vì hình như họ đã trễ giờ quy định. Phụ nhìn thấy 2 trưởng quan kia thì khẽ nói với 3 người anh trai: Làm loạn thiên hạ tất là 2 người này, nhưng họ ko phải là người yên được thiên hạ. Hai người đó chính là Trần Thắng và Ngô Quảng, về sau tốp dân phu ấy bị mưa làm trễ giờ nên đến nơi muộn, theo pháp phải bị phạt nặng, Thắng Quảng ko cam lòng nên mở xích cho dân phu, cùng phất cờ khởi nghĩa chống nhà Tần, từ đó anh hùng thiên hạ kéo ra hưởng ứng, báo hiệu ngày tàn của Đại Tần. Nhưng đó là chuyện sau này.

Lại một hôm khác, Hứa Phụ gặp một nam nhân cao lớn khôi vĩ, khí khái bất phàm đi ngoài chợ, bất giác Phụ tiến lại và nói: Đại nhân tương lai sẽ làm vua, nhưng trước đó sẽ phải chịu cảnh lao tù, chịu khó một chút nhé! – Đó chính là Anh Bố (hay Kình Bố) – Cửu Giang Vương, đồng minh thân cận sau này của Lưu Bang. Tương truyền ít lâu sau thì Anh Bố xộ khám vì đánh nhau ngoài đường, khi bị lính lôi vào ngục, Bố khoái trá ra mặt, cười ha hả suốt đoạn đường vì rằng vế thứ nhất của lời tiên tri đã nghiệm: Bố phải ăn cơm tù. Hứa Vọng thấy con đoán sự như thế, bèn định dẫn quân đi theo Anh Bố mưu việc lớn, nhưng Phụ cản lại: Người ấy có tướng làm vương nhưng cốt cách lại tầm thường, e rằng ko có sự nghiệp dài lâu, cha và hai anh hãy kiên nhẫn, thế nào cũng có lúc ta gặp được người có thể yên thiên hạ.

Hai năm sau, quân khởi nghĩa của Trần Thắng – Ngô Quảng đã bị đánh cho đại bại, tuy nhiên các lực lượng chống Tần đã nổi lên khắp thiên hạ, nhà Tần không thể khống chế đại cục được nữa. Mùa xuân năm sau, Lưu Bang xuất binh tấn công Hàm Dương, trên đường đi qua Ôn Thành, bởi nghe được rằng huyện lệnh Ôn Thành là Hứa Vọng vốn là vị quan thanh liêm, được người dân tín phục, hơn nữa ông cũng đang chiêu mộ người tài để chống lại nhà Tần, nên rất muốn đến xem thực hư ra sao. Lại nghe nói nhà này có nữ nhi có tài xem tướng, càng muốn vào thành bái kiến Hứa Vọng. Vậy nên, Lưu Bang đóng quân ở ngoài thành cách chừng vài dặm, một mình cùng với Tiêu Hà, Chu Bột, Tào Tham, Trần Bình mặc thường phục, đi vào thành. Nhưng khi Lưu Bang và nhóm người đi đến phía đông cổng thành thì cửa thành đã đóng từ lâu. Chu Bột vốn tính tình nóng nảy, thấy cửa thành đóng chặt, tính đạp cửa xông vô thì Trần Bình cản lại rồi hướng về cổng thành nói lớn:

-Nghe nói huyện lệnh đại nhân đang chiêu mộ nhân tài, chúng tôi tới bái kiến Hứa đại nhân, nhanh mở cửa thành đi!

Ngay lúc đó, Hứa Phụ và anh trai cả của nàng là Hứa Hãn đi tuần từ phía đông cổng thành, nghe được tiếng nói lớn thì vội nhìn xuống, thấy bọn Lưu Bang cả năm người họ đều có khí phách phi phàm, không khỏi kinh ngạc, bèn nói với Hứa Hãn: “Để muội xuống xem thử một chút xem sao!”. Cửa mở, Hứa Phụ đích thân xuống gặp, vừa đến gần bọn Lưu Bang, Hứa Phụ giật mình đến nỗi sững sờ: Lưu Bang quả nhiên có tướng mạo của bậc Đế Vương, long hành hổ bộ, khí thế ào ạt, lại thêm bọn Chu Bột, Tào Tham, Tiêu Hà, Trần Bình đều có khí chất đại tướng, quần thần… ko nghi ngờ gì nữa, đây đúng là con rồng trong loài người, yên được thiên hạ chỉ có người này. Hứa Phụ lập tức thỉnh cả 5 người vào thành, đi thẳng vào huyện đường, Phụ chỉ nói nhỏ mấy câu lập tức Hứa Vọng và 3 con trai mang hết ấn tín, sổ sách, quân mã ra quy phục, từ đó họ Hứa theo Lưu Bang đánh lấy thiên hạ.

III. CUỘC TỶ THÝ CHIÊU THÂN KỲ LẠ NHẤT LỊCH SỬ

Thêm vài năm đánh nhau giành thiên hạ với Hạng Vũ, cuối cùng Lưu Bang đã có được thiên hạ. Lên làm hoàng đế rồi, Lưu Bang theo lời Trương Lương, Tiêu Hà tổ chức ra chính quyền, nhà nước. Mà để tổ chức tốt triều đình thì phải lo tốt cái hậu cung trước, tức là tuyển phi.

Tuyển phi muôn đời nay luôn chặt chẽ, thời Hán khoa tử vi đấu số chưa ra đời nên ngày tháng năm sinh không hỏi tới, chỉ có xem tướng và xem cốt xem có vượng về đường con cái, có thể sinh con cho vua hay không. Tất nhiên, xem tướng, xem người thì phải kêu tới Hứa Phụ, nói cách khác, Hứa Phụ bảo chọn ai chắc chắn Lưu Bang sẽ chọn ngườu ấy. Tuy nhiên, Lã Hậu – Lã Trĩ khi ấy đang muốn thâu tóm quyền lực về cho họ Lã, bà ta không muốn Lưu Bang có thêm con cái với phi tần khác, nếu có thì cũng phải ưu tiên cho họ hàng, con cháu họ Lã. Vừa hay Lã Lộc – anh của Lã Hậu có một đứa con trai ngoài 20 tên là Lã Phục, Phục cũng là người biết xem tướng số chu dịch. Lã Hậu bày kế, sau đó gài cho Lưu Bang chỉ định hôn sự cho Hứa Phụ lấy Lã Phục, như vậy bà ta có thể thao túng được Phụ.

Tất nhiên, mưu sâu của Lã Hậu không thể qua được Hứa Phụ, cô nói rằng mình đã có ý trung nhân, chỉ có thể gả cho người ấy, còn nếu buộc phải gả cho người khác (ý chỉ Lã Phục) thì người đó phải giỏi hơn phu quân của cô. Cả Lưu Bang lẫn Lữ Hậu đều hứng thú tổ chức một cuộc so tài để định hôn sự cho Hứa Phụ, cung Vị Ương được chọn là nơi thi tài, có đông đảo bá quan văn võ làm chứng, một bên là Lã Phục, cháu gọi Lã Hậu bằng cô mẫu, một bên là Bùi Việt – một chàng trai lạ hoắc, đếch ai biết Phụ móc ở đâu ra…

Cuộc tỷ thí chia làm 3 trận, bao gồm thi xem thanh tướng; sủy cốt (tướng xương); xạ phúc (thuật đoán vật). Cuộc tỷ thí bắt đầu, hai người đều bị miếng vải đen che kín mắt. Trận đầu là tướng thanh. Lữ Phục thi trước.

Một vị thái giám từ cửa sau đại điện đi đến, đi rất chậm và nhẹ nhàng, đi qua mặt Lữ Phục và Bùi Việt xong rồi nói nói một câu: “Chao xìn” đoạn lui về một bên đứng im. Lữ Phục trầm tư một lát nói: “Người này tuổi chừng 25, 26 tuổi, làm thái giám ở trong cung”. Tiêu Hà thấy Lữ Phục không nói gì thêm, liền hỏi: “Còn có gì nữa không?”. Lữ Phục lắc đầu nói: “Không còn gì!”. Tiêu Hà bèn nói với Bùi Việt: “Bùi công tử, có cao kiến gì không?” – Bùi Việt nói: “Lữ đại nhân vừa nói đúng, người này là thái giám, nhưng phán đoán lại bị nhầm một chút. Theo ta thấy, người này tuổi khoảng chừng 20 tuổi thêm 3 tháng. Người này từ nhỏ đã mất cha, được mẹ nuôi nấng và dạy đọc sách. Vào năm 18 tuổi, bởi vì thiếu nợ, nhiều lần bị hào cường lăng nhục, bèn giận dữ mà tự mình đi vào cung, gặp người trong triều, ban đầu mới vào cung được làm nô dịch. Người này nghe giọng nói nhẹ nhàng khiêm tốn, là người được trọng dụng”.

Bùi Việt nói xong, Tiêu Hà bèn hỏi thái giám: “Bùi công tử nói như vậy có đúng không?” – Thái giám nói: “Nói đúng hết!”. Tiêu Hà và Trần Bình, Thẩm Tự Cơ sau khi trao đổi, nói: “Trận tỷ thí đầu tiên này hòa, tiếp tục!”.

Lại thấy một người thị vệ tuấn tú trẻ tuổi đi ra, đi nhẹ nhàng như giẫm chân tại chỗ, nhưng vẫn phát ra tiếng bước chân đi. Hắn đi đến trước mặt Bùi Việt, giả giọng nữ nói với Bùi Việt: “Nô tỳ bái kiến Bùi công tử!”.

Bùi Việt không cần suy nghĩ nhiều, nói: “Người này tuy rằng ra vẻ như hạc bước chuột đi, nhưng không giấu được bước chân mạnh mẽ; mặc dù điệu bộ cử chỉ giống với nữ nô tỳ, nhưng không che giấu được dương khí trong giọng nói. Bởi vậy, có thể kết luận, người này chắc chắn là nam tử, còn là người luyện võ, hiện là thị vệ trong cung, năm nay khoảng chừng 27 tuổi. Người này tính tình hài hước, nhạy bén hơn người, được chủ nhân tín trọng, cho làm chức quan ngũ phẩm, phụ thân của anh ta còn là một vị khai quốc công thần”.

Bùi Việt nói xong, Tiêu Hà liền bảo Lữ Phục nói tiếp. Lữ Phục trầm tư một lúc lâu sau, mới nói: “Người này không phải là giả bộ nữ ni, mà điệu bộ là giống như nữ nhi vậy, đi lại rất nhẹ nhàng, vốn là do công việc mà thành thói quen vậy. Người này tuy là nam tử, nhưng không có chí khí của nam nhân, bởi vì vốn là ở trong cung thái giám. Người này năm nay đã ngoài 30 tuổi, sống trong cung ít nhất đã hơn 10 năm. Ở trong cung hành vi phải cẩn thận, tạo nên tính cách người như vậy, nguyên nhân chính là như thế”.

Hắn vừa nói xong, trong đám người liền có tiếng cười vang, Cao Tổ Lưu Bang ôm bụng cười to nhất. Lữ Hậu thì mặt biến sắc mắng một câu: “Đoán như vẹm bà….”.

Tiêu Hà bình phán: “Người thứ nhất, Lữ Phục tuy rằng có thể đoán đúng là thái giám, nhưng Bùi Việt đã bổ sung chẳng những chính xác, hơn nữa có thể nói ra cụ thể thân thế của người này; Người thứ hai, Bùi Việt bình phán càng cặn kẽ. Người này đúng là thị vệ trong cung, đúng 27 tuổi. Càng kỳ lạ chính là, có thể nói ra chuyện cha của người này là một vị khai quốc phong thần. Người này chính là Chu Á Phu con trai của đại tướng quân Chu Bột. Cho nên, trận này người thắng là Bùi Việt”.

+ Tiếp theo đó là trận thứ hai “sủy cốt”, khi Tiêu Hà đang chuẩn bị cho dẫn người đã được sắp xếp trước đi vào thì Lưu Bang bỗng nhiên đổi ý bảo không cần nữa, mà lệnh cho trong đám văn võ đại thần đương triều chọn ra một người để cho Lữ Phục và Bùi Việt “sủy cốt”.Tiêu Hà hiểu ý của Lưu Bang, liền cho người đưa Lữ Phục và Bùi Việt ra tạm phía sau, sau đó bàn bạc chọn người được “sủy cốt”. Cuối cùng quyết định chọn Chu Bột, và quy định, sau khi hai người sủy cốt Chu Bột xong, không nói ra ngay, mà sẽ viết kết quả giấy, sau đó giám khảo sẽ đọc cho mọi người nghe.

Bàn bạc xong xuôi, Tiêu Hà sai người đưa Lữ Phục và Bùi Việt ra, rồi giải thích cách thi. Hai người gật đầu đồng ý, cuộc tỷ thí bắt đầu.

Lần này Bùi Việt sủy cốt cho Chu Bột trước. Bùi Việt cởi bỏ mũ quan của Chu Bột ra, sờ vào hết “cửu cốt” xong rồi đứng sang một bên, nhường chỗ cho Lữ Phục sờ cốt. Lữ Phục sờ từ phía trước mặt vòng sau đầu của Chu Bột một lúc rồi cũng đứng sang một bên. Tiêu Hà lập tức ra hiệu cho Chu Bột quay về chỗ. Sau đó Lữ Phục và Bùi Việt gỡ khăn che mắt ra, rồi viết đáp án lên lụa trắng. Viết xong, đưa cho Tiêu Hà.

Tiêu Hà đọc đáp án của Bùi Việt trước: “Khoái Triệt từng nói: ‘Cao quý hay đê hèn là nằm ở cốt pháp, vui buồn là ở dung mạo’. Mà cốt pháp chính là xem cửu cốt trên phần đầu, là xương trán, lưỡng quyền, tướng quân, nhật giác, nguyệt giác, long cung, phục tê, cự ngao, long giác. Nhìn tổng quát, 9 các xương tròn trịa và đầy, xương tướng quân lớn, đầy đặn nằm ngang tai, có thể kết luận người này là quan võ, xương long cung tròn đầy đặn và to chính là dấu hiệu của anh hùng hào kiệt, xương phục tê thẳng vươn tới đỉnh đầu chính là quan lớn trong triều đình. Tóm lại, người này khi còn trẻ vì nhà nghèo không được học, nhưng lại có võ công cao thâm và lòng trung hậu, nên là công thần khai quốc của Đại Hán, chức vị hiện tại là nhất phẩm Thái bộc”.

Nghe Tiêu Hà đọc xong, các văn võ bá quan có mặt tại đó, ai cũng phải kinh ngạc: “Thần kỳ! Thật sự là quá thần kỳ!”. Tiêu Hà lại bắt đầu đọc bài viết của Lữ Phục: “Vị này năm nay khoảng 50 tuổi, là quan võ nhất phẩm”. Chấm hết. Lữ Hậu nghe xong, thở dài nhẹ nhõm. Lữ Phục mặc dù viết ít, nhưng cơ bản là đếch sai, mà biết đâu, lỡ viết dài thêm tý nữa nó lại sai nữa thì nguy … Lưu Bang sau khi nghe xong, vẻ mặt rất vui mừng, nói: “Hai người các ngươi nói cũng không tệ. Trận này xem như ngang tay, tiếp tục xạ phúc đi!”.

+ Tiêu Hà liền lệnh thị vệ trong cung mang ra một cái bàn nhỏ. Trên chiếc bàn là một cái bình gốm được phủ kín bằng vải. Ông chỉ vào bình gốm nói với Lữ Phục và Bùi Việt: “Giấu trong bình này là một hộp gỗ, trong hộp gỗ có một vật, các ngươi đoán xem cái trong hộp là vật gì?”

Lữ Phục lấy ra một lá cỏ thi mà mình mang theo bên mình để gieo quẻ, tay cầm lá cỏ đưa lên đưa xuống, rồi nói: “Hướng lên là quẻ Ly, xuống là quẻ Tốn, quẻ Tốn là gió là cây, quẻ Ly là hỏa là mỹ lệ. Lên là quẻ Đoài, xuống là quẻ Càn (khô), quẻ Đoài là sông là nước, quẻ Càn là kim là kiên cố. Cho nên có thể kết luận, trong hộp gỗ ở trong bình gốm không phải là nước, mà là đồ trang sức”.

Nói xong Lữ Phục có vẻ đắc ý nhìn sang Bùi Việt. Tiều Hà bảo Bùi Việt phúc xạ.

Bùi Việt nói: “Bình gốm ở trên bàn gỗ ở dưới, tôi sẽ gieo quẻ theo hình tượng của vật. Bình gốm màu đỏ thẫm, đỏ thẫm là quẻ Ly; bàn gỗ bên dưới được chạm khắc tinh xảo chính là quẻ Tốn. Bên trên là quẻ Ly, bên dưới là quẻ Tốn, kết hợp với nhau sẽ biến hóa thành trên là quẻ Đoài dưới là quẻ Càn (khô). Bởi vì ở bên trong bình gốm là một hộp gỗ, gỗ là quẻ Tốn, vì thế theo cửu nhị hào, sẽ thành dưới khô trên ẩm, dưới nước là vật cứng. Biến thành trên là quẻ Đoài dưới là quẻ Ly, quẻ Đoài là thủy ẩm ướt, quẻ ly là mỹ lệ. Ly sơ cửu và cửu nhị là dương hào (trong bát quái), dương là chắc chắn bên trong lưỡng chắc là âm hào, âm là mềm. Vì thế có thể kết luận, bên trong hộp gỗ ở trong bình gốm là con ba ba da nẻ, mà con ba ba này khuyết lệ, nên cũng có thể gọi là con rùa. Hoa văn trên mai con rùa này khác với những con rùa bình thường, nổi bật hơn, có hiện lên màu vàng kim”.

Nghe Bùi Việt nói xong, Tiêu Hà liền lệnh cho thị vệ mở cái bình gốm ra, rồi mở hộp gỗ ra, quả nhiên bên trong là một con rùa nhỏ có màu vàng kim vô cùng sặc sỡ.

Đám văn võ đại thần nhìn thấy, liền vỗ tay hoan hô, sôi nổi tán thán: “Đúng là đoán như Thần”.

Lữ Phục thấy quả đúng là con rùa như lời Bùi Việt nói, ái ngại không nói được gì. Một lát sau, mới nói: “Lữ mỗ bất tài cam nguyện nhận thua!”

III. TIÊN ĐOÁN TƯƠNG LAI – GIỮ NGÔI NHÀ HÁN

Sau trận thua vỡ mặt, dĩ nhiên phe họ Lã không thể can thiệp vào chuyện tuyển phi của vua nữa. Lã hậu phải xoay qua toan tính củng cố thế lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, ngày tuyển phi tần lại xảy ra 1 cơ sự lạ: Số là trong những bại tướng dưới tay Lưu Bang có 1 người là Ngụy Vương, tên hay gọi là Ngụy Vương Báo. Báo lại có 1 người thiếp tên là Bạc Cơ, khi Ngụy Báo bị Lưu Bang giết thì có người thấy Bạc Cơ sinh đẹp nên đem Bạc Cơ về tiến cung, nhưng do cái dớp từng là vợ kẻ thù nên Lưu Bang ko thèm ngó tới trong 1 thời gian dài, Bạc Cơ cứ ở lại trong cung làm tạp dịch. Buổi tuyển phi hôm ấy, Bạc Cơ cũng tham gia, Hứa Phụ cả buổi im lặng không hề nói với vua chọn ai, bỏ ai, Lưu Bang tự quyết định. Vào cuối buổi, bỗng nhiên khi Bạc Cơ đi lướt qua, Hứa Phụ vội kêu: Xin dừng bước! – Rồi Phụ tiến lại gần xem 1 lượt, sau đó dắt thẳng cô gái ấy đến trước mặt Lưu Bang và nói nhỏ vừa đủ để ông nghe:

– Cô này về sau sẽ sinh Thiên Tử, kế thừa cơ nghiệp Đại Hán !

Nghe câu đó, cả Lưu Bang cũng giật mình, vì Lưu Bang đã có vài đứa con lớn với cả Lã Hậu và Thích Phu Nhân. Thế nên 1 đứa con trai nữa, nếu có thì cũng xếp hàng thứ 4 đổ xuống, hà cớ gì bảo là “kế nghiệp” nhà Hán được? Nhưng Lưu Bang vốn tin tưởng nên không thắc mắc nhiều, lập tức đổi Bạc thị làm Bạc Phu Nhân. Bạc Cơ sau đó cũng thật tình nói ngay: Đêm qua thiếp nằm mơ có một con thương long (rồng xanh) nằm trên bụng. Bình thường nếu nói ra những lời ấy, có thể sẽ bị khép tội xàm ngôn, bịa đặt, nhưng Bạc Cơ thái độ chân thành, lời nói tự tin làm Lưu Bang cũng tin đó là cơ trời sắp đặt, lại nữa nhìn kỹ thì Bạc Cơ mặt mũi đầy đặn, mắt phượng mày tằm, quả thật có tướng sinh quý tử bèn lập tức đêm đó lâm hạnh. Sau đó quả nhiên Bạc Cơ có tin vui, sau này sinh ra Lưu Hằng, chính là Hán Văn Đế, nhưng đó là chuyện về sau. Ngay sau khi sinh con, Bạc Cơ an phận thủ thường, chỉ lo chăm sóc cho con giữ đúng phép tắc với Lã Hậu. Lã Hậu thấy Bạc Cơ cũng hiền lành an phận, vả lại Lưu Hằng chỉ là con trai thứ tư thì cũng ko xem là mối nguy. Khi Lưu Hằng lên 9 tuổi, Lưu Bang bệnh nặng, biết sắp hết số trời, ông lệnh cho Hứa Phụ vào gặp, Phụ nói ngay:

-Bệ hạ một mai trăm tuổi, thiên hạ tất loạn, chi bằng hãy có tính toán trước.

Thế rồi Lưu Bang tự tay viết chiếu, phong Lưu Hằng làm Đại Vương cho đi trấn thủ ở nơi biên viễn xa xôi, lại cho Hứa Phụ đi theo phụ giúp. Lúc này Lưu Bang đã biết dã tâm Lữ Hậu nên ngầm chừa cho con mình một đường sống, truyền thuyết kể rằng trước khi lâm chung, Lữ Hậu đến bên giường bệnh hỏi rằng:

– Bệ hạ trăm tuổi rồi và tướng quốc Tiêu Hà cũng mất thì lấy ai thay?

– Tào Tham có thể thay được.

– Vậy Tào Tham cũng mất thì ai thay?

– Vương Lăng có thể được, nhưng Vương Lăng hơi gàn. Trần Bình có thể giúp ông ta. Trần Bình thì trí khôn có thừa, nhưng khó mà làm một mình. Chu Bột là người trung hậu, ít văn hoá nhưng người làm họ Lưu được an chính là Chu Bột đấy, có thể cho ông ta là Thái úy.

– Vậy sau đó nữa?

– Sau đó thì chính bà còn liệu ko xong, hỏi lằm hỏi lốn?

Quả nhiên sau đó Lữ Hậu chuyên quyền tác oai tác quái nhưng nhờ các cựu thần của Lưu Bang đứng ra chủ trì triều chính nên xã tắc nhà Hán vẫn đứng vững. 8 năm sau, Lữ Hậu vừa chết thì Trần Bình, Chu Bột làm binh biến kết hợp với các thân vương họ Lưu khởi binh bên ngoài tru diệt hoàn toàn họ Lữ, sử tàu gọi là Loạn Chư Lã (Lữ). Sau khi dẹp loạn, các đại thần bàn nhau tìm dòng dõi của Lưu Bang mà ko liên quan đến họ Lã, lại ko thuộc về một thế lực hay dòng họ nào đang nắm quyền, ngó qua ngó lại có mình Lưu Hằng là hội đủ các điều kiện đó bèn rước về làm vua, chính là Hán Văn Đế sau này.

Giới thiệu Đông Thích 180 bài viết
Trụ trì chùa Bề Đề Cổ Tự Chuyên gia từ thiện bằng cái Tâm Uy tín - Chất lượng - Minh Bạch

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi