Đạo Phật có phải là một tông giáo?

Đạo Phật có phải là một tông giáo?


Có nhiều sự giải thích tại sao Đạo Phật lại là tôn giáo lắm. Ví như có một vị sư cũng là tiến sỹ, có mấy lý giải thế này:

  1. “Hiện nay Phật giáo hiện diện trên thế giới với tư cách là một tôn giáo lớn có đầy đủ các yếu tố của một tôn giáo của nhân loại (Giáo chủ, giáo lý và giáo đồ)…”

– Về việc này, chúng ta nhớ lại rằng khi Đức Phật thành Đạo, lúc đó có Nhất Bảo, đó là Phật; khi Đức Phật đi thuyết pháp, lúc đó có Nhị Bảo, đó là Phật, Pháp; khi Đức Phật thu nhận học trò, lập tăng đoàn, lúc đó có đủ Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Thời đó, Đức Phật và Tăng đoàn không ở cố định mà hằng ngày đi chân đất, tới khắp nơi thuyết pháp, khất thực. Tam Bảo ấy, nói cách khác chính là Giáo chủ, Giáo lý và Giáo đồ, ấy nhưng khi ấy, dù vậy vẫn không phải tôn giáo.

– Tôn giáo, ngoài Giáo chủ, Giáo lý và Giáo đồ ra còn có thêm 1 yếu tố nữa: đấy là sự siêu nhiên, thần linh hoá. Sau khi Đức Phật nhập diệt, người ta mới xây chùa, lập giáo đoàn, rồi dần dần trở thành tôn giáo. Và thế là, trong tôn giáo đó, Đức Phật, từ một người thầy dẫn đường dần dần trở thành một vị thần linh ban phúc, bàn tài lộc, ban sức khoẻ. Kinh Phật, từ là lời dạy trở thành các thần chú, chữ Vạn và tượng, ảnh của Phật trở thành bùa ngải tăng lực, trừ tà.

* Hàn Quốc định nghĩa Đạo Phật (佛道, 불도) là 부처님의 가르침에 의한 깨침과 불과 (佛果)에 이르는 길 : Đạo Phật là con đường đạt giác ngộ và Phật quả dựa trên lời dạy của Đức Phật.
Quá súc tích.

2. “Thật ra chỉ cần hiểu chữ tôn giáo theo cách chiết tự đơn thuần, thì tôn nghĩa là tôn kính tôn quý, quý trọng, cao quý; giáo là dạy, là chỉ bảo, là lời dạy, ở đây chỉ lời dạy, giáo lý, tư tưởng, triết lý. Khi hiểu như vậy chúng ta không cần ngại khái niệm tôn giáo khi nói về Phật giáo nữa”.
– Giải thích như vậy là ẩu. Vốn dĩ không có “tôn giáo” mà chỉ có “tông giáo” (宗教), chỉ vì húy kị tên vua Nguyễn Phúc Miên Tông mà nói chệch thành “tôn giáo”, chữ “tôn” ấy chả liên quan gì đến tôn quý.
Chữ “giáo” (教) có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là một hệ thống liên quan đến niềm tin, hoặc tín ngưỡng siêu nhiên. Trừ Việt Nam, các nước đồng văn Hán tự đều đang dùng là “tông giáo”.
Mà cũng nên khôi phục lại việc dùng “tông giáo” thay cho “tôn giáo”, ít nhất cũng tránh được việc chẻ chữ sai như thế này.

3. “Hơn nữa, nếu Phật giáo không phải là tôn giáo thì ngày nay, chúng ta đã không thể thấy được chùa chiền tháp miếu thờ Phật trang nghiêm, không thể thấy được Tăng Ni tín đồ đạo Phật trong hình thức pháp phục Phật giáo như Cà sa, hải thanh, mũ Tì Lư mũ Địa Tạng, mão Quan Âm, áo tràng, đồ nâu sồng, áo lam…. rất phổ biến”.
– Cái này cần làm rõ. Khi Đức Phật tại thế, không có chùa, chỉ có tịnh xá làm nơi ở tạm và giảng pháp. Sau này, vì Đức Phật không còn tại thế nên người ta lập tượng Phật để người tu hành nhìn tượng như thấy Phật mà tăng tín tâm.
Lập tượng xong thì lập Tự (chùa). Chùa vốn được gọi bằng nhiều cái tên như Phật tự (佛寺), sát (刹, tắt từ sát-đà-la), tự viện (寺院), già lam (가람(伽藍)¹, tịnh xá (精舎), đạo tràng (道場), tất cả các tên đó đều có một điểm chung là nơi giảng pháp, học Đạo chứ không thờ cúng gì như hiện nay.
¹ Nhân tiện nói thêm là “danh lam” không phải là nơi có cảnh đẹp, mà là nơi có chùa chiền nổi tiếng.
Tăng đoàn phân chia thành các chi phái, rồi để phân biệt, họ chế ra trang phục, mũ mão rồi nghi lễ riêng.
Chùa, tượng, áo mũ, tất tần tật đều do hậu thế tự tung tự tác.

📷 Nói gì thì nói, Đạo Phật vốn không phải tôn giáo, à quên, tông giáo. Tại hậu thế của Đức Phật biến tướng nó thành thế thôi. Chứ người ta bảo Đạo Phật không phải tôn giáo chính là ý nói về bản chất, gốc gác mà lại quy là độc hại, thế chẳng hoá ra là cái ngọn phủ định cái gốc của bản thân à?

Giới thiệu Đông Thích 176 bài viết
Trụ trì chùa Bề Đề Cổ Tự Chuyên gia từ thiện bằng cái Tâm Uy tín - Chất lượng - Minh Bạch