Thiền Uyển Tập Anh kể rằng: Sư ở chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc[9]. Người Cát Lợi, họ Ngô, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế. Sư tướng mạo khôi ngô, tính phóng khoáng , nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật. Sư cùng bạn học Trụ Trì đến Thiền sư Vân Phong chùa Khai Quốc, thọ giới Cụ Túc. Từ đó, Sư đọc khắp sách Phật, tìm hiểu yếu chỉ của Thiền. Năm bốn mươi tuổi, danh sư vang tới triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng mời đến, Sư đối đáp hiệp chỉ, bèn phong làm Tăng Thống. Năm Thái Bình thứ hai (971), vua ban hiệu Khuông Việt Đại sư.
Hoàng đế Lê Đại Hành càng kính trọng Sư hơn, phàm việc quân, việc nước ở triều đình, Sư đều dự vào.
Một lần Sư đi chơi núi Vệ Linh ở quận Bình Lỗ, thích phong cảnh vắng đẹp, bèn muốn lập am để ở. Đêm tới nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, hình tướng dễ sợ, đến nói rằng: “ Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, những người theo ta là Dạ Xoa. Thiên Đế có sắc sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết”. Sư kinh hãi thức dậy, nghe trong núi có tiếng kêu là ầm ĩ, lòng rất lấy làm lạ. Đến sáng Sư vào núi, thấy một cây to, cao khoảng mười trượng, cành lá sum suê, bên trên lại có mây xanh bao phủ, nhân đó sai thợ đến chặt, đem về, khắc tượng như đã thấy trong mộng để thờ.
Năm Thiên Phúc thứ I (981), binh Tống đến quấy nước ta.Vua biết rõ việc đó, liền sai Sư đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ.
Năm Thiên Phúc thứ 7 (986), người Tống là Nguyễn Giác sang sứ nước ta.Bấy giờ Pháp sư Đỗ Thuận cũng có tiếng tăm lừng lẫy. Vua sai Pháp sư cải trang làm người lái đò để nghinh đón Giác ở Giang Khúc. Giác thấy Pháp sư giỏi bàn văn chương, bèn đem thơ tặng, có câu: “ Ngoài trời lại có trời soi rạng”. Vua đưa hỏi Sư, Sư thưa rằng: “Đây nó muốn tôn kính Bệ hạ cùng với Chúa nó không khác”. Khi Giác trở về, Sư làm một bài từ nhan đề Vương Lang qui để tiễn đưa. Bài từ như sau:
Trời lành gió thuận, gấm buồm giương
Thần tiên về đế hương
Muôn trùng vạn dặm biển mênh mang
Trời xanh xa dặm trường
Tình ray rứt chén lên đường
Bịn rịn sứ tinh lang
Nguyện đem thâm ý vì Nam bang
Phân minh tâu Thượng hoàng.
Sau, Sư lấy cớ già yếu, xin từ quan về núi Du Hí ở quận mình, lập chùa Trụ trì; người học tìm tới đông đảo. Một hôm, đệ tử nhập thất là Đa Bảo hỏi: “Thế nào là chung thủy của sự học đạo?”
Sư đáp:
“Thủy chung không vật, diệu hư không
Hiểu được chân như, thể tự đồng”.
Bảo tiếp: “ Làm sao đảm bảo được?”
Sư đáp: “ Không có chỗ cho người xuống tay”.
Bảo nói: “ Hòa thượng nói xong rồi”.
Sư lại hỏi: “ Ngươi hiểu gì?”
Bảo bèn hét lên.
Ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) triều Lý, khi sắp cáo tịch, Sư dạy Đa Bảo kệ rằng:
Trong cây vốn có lửa
Có lửa, lửa mới bừng
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xát do đâu bùng.”
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà mất, thọ 82 tuổi(933-1011).
( Thiền Uyển Tập Anh, Lê Mạnh Thát dịch, NXB.TPHCM-1999).