Tết Đoan Ngọ trên chùa Bề Đề

Hôm trước là tiết Đoan Ngọ (端午), mồng 5 tháng 5 AL.

Đoan là khởi đầu, còn Ngọ có 2 thuyết. Một là tháng 5 là tháng Ngọ nên gọi là Ngọ ( nghe hơi ngô nghê tí), hai là Ngọ biến âm từ Ngũ, tức chỉ ngày mồng 5 (Sơ Ngũ). Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày Hạ chí. Ngày này còn được gọi là lễ Trùng Ngũ, lễ Thiên Trung hay lễ Đoan Dương.

Ở Việt Nam, ngày này là ngày diệt sâu bọ. Đoan ngọ, hay Đoan dương là thời thuộc Hạ chí. Trong Hậu thiên bát quái, Hạ chí thuộc về Quẻ Ly Hỏa, dương khí trong trời đất, trong vạn vật cực thịnh. Vạn vật sinh trưởng mạnh mẽ trong dịp này. Các cây thuốc cũng đang ở thời kỳ tốt nhất, đồng thời, sâu bọ, vi khuẩn cũng phát triển, bệnh dịch hoành hành. Chính vì vậy, dịp này, các y sư hay đi hái lá thuốc, bà con nông dân thì hò nhau đi diệt sâu bọ cứu hoa màu, người người ăn hoa quả, bỗng nếp để tẩy trùng. Vậy nên, ngoài ý nghĩa khác, Đoan ngọ còn là dịp diệt sâu bọ là vậy.

Có một câu chuyện khác về Đoan Ngọ. Theo thuyết dân gian thì đây là ngày giỗ của Quốc mẫu Âu Cơ vì có thơ rằng:

“Tháng Năm ngày tết Đoan Dương.

Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.

Cái này ít được nhắc đến.

Tết Đoan Ngọ năm nay nhà chùa cũng biện mâm lễ cúng, mời chư tôn phật tử trong và ngoài chùa thụ lộc, xong tối qua còn chê rượu nếp, cơm rượu nhà chùa chưa ngấu, nên rủ nhau đi uống rượu táo mèo. Sáng hôm sau sáu rưỡi bảy giờ, sư thầy còn đang oánh răng mà các bà đã ý ới ngoài cửa đòi trả chồng về, làm mất cả cái an lạc của nhà chùa đi.

Giới thiệu Đông Thích 176 bài viết
Trụ trì chùa Bề Đề Cổ Tự Chuyên gia từ thiện bằng cái Tâm Uy tín - Chất lượng - Minh Bạch
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận