Phật giáo qua tranh: Nhìn hoa sen và nhành dương để nhận ra bộ ba đến từ Tây Phương

Diệu Vợi Nguồn: Soi.today

Hôm qua tôi được chứng kiến một người đi chùa về chép miệng: “Sao trong chùa bày nhiều bộ ba thế? Trước một bộ ba, sau một bộ ba, đâu cũng bộ ba…, sao không dồn lại một ban thờ thôi?”

Hỏi những bộ ba ấy trông như thế nào, họ tả lại là: “Giữa có ông Phật, hai bên hai Bồ tát”

Rồi, còn phân biệt được Phật với Bồ tát là tốt rồi. Nay nhân tổng hợp tài liệu để giải thích cho bạn ấy, xin viết lại thành bài.

*

Ngoài một bộ ba là ba tượng Phật trông giống hệt nhau mà ở một bài khác ta sẽ bàn tới sau, thì vào chùa bạn hay gặp hai bộ ba sau:

Phật A Di Đà đi cùng hai bồ tát

Phật Thích Ca Mâu Ni cũng đi cùng hai bồ tát

Ta cần phân biệt hai bộ ba này để đứng trước họ còn gọi tên cho trúng, tránh tình trạng niệm Nam mô A Di Đà Phật trước Thích Ca Mâu Ni Phật (và ngược lại), hoặc đứng trước tượng Văn Thù bồ tát mà lại niệm Quán Thế Âm.

Đầu tiên, Phật A Di Đà với Phật Thích Ca thì các bạn đã phân biệt được rồi phải không? Một vị (A Di Đà) là phụ trách Tây phương Cực lạc, một vị (Thích Ca) là phụ trách cõi ta bà (tức là cõi chúng ta đang lăn lộn đây).

Nhưng căn cứ vào hai Phật này mà phân biệt hai bộ ba thì cũng hơi khó, khi mà tượng ở nhiều chùa thể hiện Phật A Di Đà y hệt Phật Thích Ca và ngược lại?

Vậy thì, bạn hãy căn cứ vào thực vật hay động vật đi cùng bộ ba các vị.

Bộ Di Đà tam tông với thực vật đi kèm

Phật A Di Đà sẽ đi cùng hai vị bồ tát mang theo thực vật: bồ tát Đại Thế Chí cầm cành sen xanh đứng bên tay phải, bồ tát Quán Thế Âm cầm cành dương liễu (thêm cái bình nước cam lồ) đứng bên tay trái Phật. Tuy nhiên nhớ được vị nào bên trái vị nào bên phải với ta nhiều khi cũng khó, khi hàng ngày ta đã rối ren vì phải phân biệt trái-phải rồi. Đặc biệt cả hai vị bồ tát này trong các chùa của ta đều là hình dáng nữ, trông cũng rất giống nhau!

Tây Phương tam thánh với Phật A Di Đà ở giữa, bên tay phải ngài là bồ tát Đại Thế Chí, bên tay trái ngài là bồ tát Quán Thế Âm

Về thực vật trên tay hai vị bồ tát này:

Bông sen xanh của bồ tát Đại Thế Chí mang biểu tượng kép: sen là biểu tượng cho sự vượt lên khỏi bùn nhơ, khổ não. Màu xanh là sự vượt lên khỏi… màu trắng, là sự tinh tấn trong tu tập, tức có phấn đấu chứ không phải hài lòng với sự tinh khôi mãi. Ước nguyện của Đại Thế Chí là giúp người ta vượt lên, có trí tuệ để đến với Phật và hiểu giáo lý Phật. Quả là thâm thúy, vì có rất nhiều người đến với Phật trong trạng thái u mê, đi chùa mà xin Phật cho con có nhiều tiền, cho con gặp lại được anh ấy, thậm chí cho bọn kia nó gặp quả báo! Hoặc có những người đến với Phật mà chỉ có hiền hiền nhưng nghĩ thế là đủ rồi, không phấn đấu nữa, và không bỏ sức tìm hiểu thêm những lời Phật gửi gắm.

Bộ ba Phật từ Tây Phương

Còn cành dương liễu của bồ tát Quán Thế Âm, người ta bảo đó là một thứ thực vật mềm dẻo, kiên trì, nhẫn nhịn. Ai đã thấy nhành liễu thì sẽ suy ra động tác rảy nước cam lồ của Bồ tát. Nước cam lồ không thể rót xuống đầu chúng sinh, chỉ rảy thôi. Cũng không thể dùng một thực vật khác như sen, như cỏ để rảy. Dương liễu là thứ thực vật thích hợp nhất để làm việc này.

Về mặt biểu tượng, chỉ có sự nhẫn nhịn, kiên trì (của dương liễu) mới thực hành bền bỉ được việc rảy nước cam lồ từ bi. Ở đời cũng thế, người tốt mà tính nóng đùng đùng thì không từ bi bền được, vừa mới nhân từ đó đã lại ác miệng đó, rồi lại hối hận, rồi lại chuộc lỗi. Muốn từ bi, ta phải có được phẩm chất mềm dẻo mà nhất quán của nhành dương liễu.

*

Thế rồi ta gặp rắc rối, không phải tượng nào hay tranh nào cũng vẽ y như trên, có khi không vị nào cầm sen hay cành dương liễu, lại có khi trông rõ ràng là bồ tát Quán Thế Âm mà lại cầm hoa sen (trắng, hồng). Làm sao phân biệt hai vị bồ tát như hai bà giống nhau như tạc đây?

Một bộ Tây Phương tam thánh mà bồ tát Quán Thế Âm không cầm bình cam lồ và cành dương liễu

Đến lúc ấy bạn cần nhìn lên đầu hai vị. Trên đầu của bồ tát Đại Thế Chí lại có… một bảo bình, trông lại rất giống bình nước cam lồ, trong khi trên đầu của Quán Thế Âm là một vị phật nho nhỏ, chính là Phật A Di Đà!

Hình tượng bồ tát Đại Thế Chí cầm sen (không xanh mà hồng) trên nhục kế có hình một bảo bình mà theo sách ghi là “đựng những thứ quang minh chiếu ánh sáng Phật đến muôn phương”.

Không hiểu sao những người làm tượng không phân biệt rõ màu sen: sen xanh của bồ tát Đại Thế Chí, sen hồng và trắng là của Quán Thế Âm. Như tượng này lẫn lộn: bồ tát Đại Thế Chí mà lại cầm sen hồng.

Chi tiết nhục kế có bảo bình

Hình tượng Đại Thế Chí với bảo bình trên đầu

Nhìn thế này sẽ rất dễ nhầm bồ tát Đại Thế Chí với Quán Thế Âm, vì cũng cầm sen hồng, mắt cũng ngó xuống từ bi. Khi đó bạn nhìn lên nhục kế của bồ tát nếu thấy có bảo bình thế này tức là hình tượng Đại Thế Chí

Bồ tát Quán Thế Âm mang hình tượng Phật A Di Đà trên đầu

Một tượng bồ tát Quán Thế Âm không cầm bình cam lồ mà lại cầm hoa sen. Phân biệt nhờ trên nhục kế có hình ảnh Phật A Di Đà

Đây nữa, bồ tát Quán Thế Âm không cầm bình cam lồ và dương liễu mà lại cầm sen. May nhờ có hình Phật A Di Đà trên nhục kế mà phân biệt được với Đại Thế Chí phải không các bạn?

Bài tiếp theo chúng ta sẽ đi tới bộ ba mang theo muông thú của Phật Thích Ca nhé.

Giới thiệu Đông Thích 175 bài viết
Trụ trì chùa Bề Đề Cổ Tự Chuyên gia từ thiện bằng cái Tâm Uy tín - Chất lượng - Minh Bạch
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận