Chùa Ngọc Hồ còn có tên là chùa Bà Ngô ở số 128 phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo cuốn “Thăng Long cổ tích khảo”, chùa được xây dựng vào đời Lý Nhân Tông (1127 – 1128) và còn gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thánh Tông gặp tiên nữ. Gần 1000 năm tồn tại, chùa là nơi lưu giữ nhiều nét kiến trúc và văn hóa đất kinh kỳ.
Chùa này dù có tiếng là một cổ tích, nhưng nền nếp kiến trúc cổ sau bao cơn loạn lạc, đều lần lượt bị tàn phá hết, mãi đến năm Ất Hợi ( 1935) mới sửa chữa lại như quang cảnh ngày nay.
Chùa này xưa kia làm nền trên một cái gò, giữa gò cao vót lên như hình một cái hồ rượu, nên gọi là chùa Ngọc Hồ. Bên trong hồ có đáy sâu xuống chừng ba bốn thước, có nước rất trong và lúc nào cũng đầy. Sau khi sửa lại chùa, Ngọc Hồ ở vào ngay cửa giữa tam quan, có làm nắp đậy, để lấy lối đi lại lên trên.
Chùa dựng lên từ năm Kiến Gia thứ tám (1218) đời vua Huệ Tôn nhà lý. Đến đời Trần, đổi gọi là chùa Tiên Phúc, vì theo tục truyền thường có nàng tiên hiện thân đi tha thướt ở trước chùa này là chùa Ba Ngô, truyền rằng về đời nhà Mạc ( 1527-1529) một người đàn bà ta lấy một nhà buôn Hoa kiều, nhà rất giàu, tự bỏ của riêng đứng ra làm chùa( Ngô mà danh từ xưa kia vẫn dùng để chỉ các người Hoa kiều sang làm ăn buôn bán ở xứ ta).
Trong chùa hiện chia làm ba phần, phần giữa để thờ đức Phật; bên tả là nhà hậu, thờ những người có công đức với chùa; phần bên hữu thờ chư vị, vị chính là bà Liễu hạnh Công chúa, ở cửa ngoài có một câu đối quốc văn , tả về thân thích bà:
Chẳng thiêng cũng bụt chùa nhà; gái Thanh Hóa nữ thần có một.
Đẹp nhất là tiên hạ giới, cõi Nam thiên bất tử hòa tư.
Về phần bên hữu này, ngoài cùng thờ tượng Lê Thánh Tôn. Theo tục truyền, Lê Thánh Tôn là người đã từng có nhân duyên quả kiếp với chùa. Có một hôm, nhà vua ngự kiệu đi vãn cảnh danh lam, khi tới gần chùa Ngọc Hồ, nhác thấy một người con gái đẹp đang đứng trên gác chuông ngắm cảnh và cất tiếng ngâm câu:
Ở đây mến cảnh mến thầy,
Tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng người.
Vào tới chùa, nhà vua đi thẳng lên gác chuông hỏi người con gái:
-Vừa nghe mấy lời châu ngọc, biết nàng quả có văn tài, duyên tao phùng dễ có mấy khi, để ghi nhớ phút kỳ ngộ này, xin tài nữ hãy cùng trẫm chia vần xướng họa, nên chăng?
Người con gái nhận lời, và xin nhà vua xướng trước. Vua xin nàng cho biết đầu đề, nàng lấy ngay câu thơ vừa ngâm lúc nãy làm đầu đề. Vua ứng khẩu đọc ngay:
Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười,
Tuy vui đạo Phật chửa khuây người.
Chầy kinh mấy khắc tan niềm tục,
Hồn bướm ba canh lẫn sự đời.
Bể thảm muôn tầm mong tát cạn,
Sông ân ngàn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào Cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười.
Vua đọc xong, xin nàng cho biết ý kiến.Nàng xin cho được đổi mấy chữ: Chày kinh mấy khắc đổi là gió xuân dưa kệ, ba canh đổi là mơ tiên, thảm đổi là khổ, sông đổi là nguồn. Nhà vua rất thán phục và xin nàng họa lại. Nàng nói:
-Ý thiếp đã đủ cả trong câu mệnh đề, không còn nói gì hơn nữa, vả chăng đứng trước ngọn Thái Sơn, gò đống cũng khó nói được là cao lớn. Nay xin tạm miễn, còn nhiều hội ngộ về sau.
Nhà vua cười, rồi mời nàng cùng lên kiệu về cung. Không chối từ, nàng trèo lên kiệu cùng đi,nhưng khi kiệu vừa về đến bên ngoài cửa Đại Hưng (một cửa ở ngoài phía nam hoàng thành) thì nàng biến mất. Nhà vua biết là tiên, cho lập một lầu cao ngay ở đó, gọi là Vọng Tiên lâu, để đôi khi trèo lên trông ngóng, may chăng còn gặp bóng hồng. Lầu này ở vào chỗ quán Vọng Tiên, phố Hàng Bông ngày nay.
Vì chùa Ngọc Hồ có tên là chùa Tiên Phúc, nên có nhiều người lầm với chùa Tiên Tích ở phố Hàng Cỏ. Chùa Tiên Tích vốn là một danh lam ở thủ đô, cuối đời Lê, chúa Trịnh Sâm cho sửa sang lại, bên cạnh dựng tòa ly cung để đôi khi mang cận thần và phi tần ra đó nghỉ mát. Trong chùa có hồ rộng mười mẫu, có tháp cao chín tầng và có nhiều hình giống vật bằng đá của nước Chiêm Thành, do chúa Trịnh Tráng vào đánh chúa Nguyễn ở miền Nam lấy được đem về. Chẳng bao lâu gặp loạn, chùa bị phá hết không còn gì, về sau người ta chỉ lập nên một tòa chùa nhỏ. Đến nay, chùa ấy chỉ còn là một gian nhà thường chật hẹp, mang biển số nhà 110 ở đường Lê Duẫn ngày nay.
(Cổ tích và Thắng cảnh Hà Nội, Doãn Kế Thiện NXB Hà Nội 1999)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.