Sư Từ Đạo Hạnh và thánh làng Láng

Từ Đạo Hạnh, tục gọi là Đức Thánh Láng, là một thiền sư người Việt Nam thời nhà Lý. Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều màu sắc huyền thoại. Trước khi truyền thuyết về Liễu Hạnh phổ biến, ông thường được liệt vào hàng thánh nổi tiếng trong tín ngưỡng Việt Nam, gọi là Tứ bất tử.

Vào thời nhà Lý, có một ma tăng quê ở làng Láng gần kinh đô, tên là Từ Vinh.Từ Vinh học được phép tàng hình. Không những thế,hắn còn biết cả phép biến mình thành bất cứ một con vật gì hay bất cứ một người nào khác. Khi học được phép lạ, hắn không nghĩ đến việc lợi dụng phép thuật để giúp đỡ người nguy kẻ khó, mà chỉ nghĩ cách tìm khoái lạc cho bản thân, Cho nên, hắn đi khắp mọi vùng, bề ngoài làm bộ giảng đạo, nhưng kỳ thực là để gần gũi những người đàn bà mà hắn ưa thích. Hắn đã có phép, lại không kém khôn ngoan, nên chả một ai hay biết cả.
Từ lúc Từ Vinh thi đậu khoa thi Bạch Liên, được vua thăng chức Tăng quan Đô Sát, một chức quan lớn trong triều đình, thì hắn lại lén lút tìm gái ở vùng kinh kỳ. Bấy giờ, ở kinh có một nhà quý tộc tên là Diên Thành Hầu, có phủ đệ đẹp đẽ trên bờ sông Cót, gần làng Từ Vinh. Diên Thành Hầu có một đám vợ và nàng hầu, trong đó có một nàng trẻ tuổi, nhan sắc xinh đẹp, dễ thường trên đời khó ai sánh kịp. Từ Vinh chú ý đến nàng.
Phủ đệ Diên Thành Hầu canh gác rất nghiêm nhặt, nhưng đối với Từ Vinh thì chẳng mùi gì. Nhè những đêm Diên Thành Hầu vắng mặt, Từ Vinh tàng hình lọt vào buồng của nàng, rồi biến thành chồng nàng lên giường giao hoan.Sáng dậy, y lại tàng hình đi ra khỏi cổng trước mắt bọn gác.Vì thế, chẳng những cả nhà Diên Thành Hầu không một ai biết mà chính người đàn bà nọ cũng không ngờ là ngoài chồng mình ra còn có một người đàn ông thứ hai nữa.
Một hôm,giữa lúc Từ Vinh tàng hình bước ra khỏi buồng người đàn bà, thì chính là lúc Diên Thành Hầu lại vào với vợ. Người đàn bà vội kêu lên:
-Sao phu quân vừa ra đã lại trở vào?
Nghe nói thế, Diên Thành Hầu hiểu ngay nông nổi và sau khi tra gạn vợ, ông mới biết gian phu không phải là người tầm thường, nếu không có một pháp sư cao tay thì đừng hòng trị nổi.Diên Thành Hầu căm tức vô cùng, sau một lúc lâu suy nghĩ, ông sực nhớ đến nhà sư Đại Diên phép thuật cao cường nhất trong nước, từng được vua ban tước Quốc sư và đã trổ tài mấy phen trị tà bắt quỷ.
Khi nghe Diên Thành Hầu kể lại câu chuyện, Đại Diên đưa cho ông ta một sợi chỉ ngũ sắc và dặn rằng:
-Hầu về đưa sợi chỉ này cho bà ấy, chờ lúc gian tế đến, lẳng lặng buộc vào ngang lưng. Một mặt cho rắc một lớp tro mỏng trước cửa buồng, cho người nấp chỗ kín canh gác. Đợi lúc nào thấy có dấu chân giẫm lên tro thì đóng ngay cửa lại, dán lá bùa này vào rồi cho người tức tốc đến đây báo tin cho bần đạo. Bần đạo sẽ vì Hầu trừng trị con dâm quỷ.
Diên Thành Hầu về, làm đúng như lời dặn. Quả nhiên một đêm nọ, Từ Vinh tàng hình mò tới. Hai tên nô chầu chực đêm ngày ở cửa ,bỗng nhìn thấy có những dấu chân tiến vào buồng mà không thấy có người, vội dán lá bùa lên cánh cửa rồi phi báo cho chủ biết. Đêm âý, Từ Vinh vô tình, không ngờ có cạm bẫy đang giương ra chờ mình, nên chỉ một lúc sau, người vợ Diên Thành Hầu đã buộc được sợi chỉ ngũ sắc vòng quanh lưng mà hắn cũng không hay biết gì cả.
Nghe có tiếng động, Từ Vinh vội niệm chú biến thành một con gián. Nhưng khi bay đến cửa, hắn mới biết rằng khắp mọi nơi đều có phép thần kín mít như bưng, không một khe hở nào chiu lọt. Giữa lúc đó thì Đại Diên đã cầm đuốc tiến vào buồng. Gián ta hoảng hốt bò vào một khe vách, nằm im tại đó. Cuộc tìm tòi của Đại Diên đã tưởng trở nên vô hiệu. Mãi về sau, vì có sợi chỉ ngũ sắc buộc quanh mình thò ra ngoài vách, nên Đại Diên lôi ngay được gián ra.Trong tay thần của Đại Diên, Từ Vinh hết phương trốn tránh, đành chỉ kêu van xin tha mạng. Đại Diên hỏi:
-Mày là ai?
Đáp:
-Tôi là Từ Vnh.Xin Hòa thượng nghĩ đến tình đồng triều, đồng đạo, tha cho tội chết.
Nghe kẻ tội phạm xưng tên, Đại Diên nghĩ bụng:-“Phép thuật của hắn có tiếng là cao cường không kém gì ta. Nếu không sa cô vì mấy lá bùa, chưa chắc hắn đã chịu kêu van như thế này đâu. Tha cho hắn sẽ nguy hiểm cho ta. Tất phải trừ đi để khỏi hậu hoạn”. Nghĩ vậy sư ta cười gằn bảo Từ Vinh:
-Mày là kẻ tu hành, lại được triều đình trọng dụng mà cố tình phá giới, phạm tội chồng chất như thế này ru? Tha cho mày sao được! Thôi ta hóa kiếp cho mày để lo tu chỉnh về sau.
Từ Vinh chưa kịp kêu thì đã bị bàn tay Đại Diên bóp nát vụn. Xác con gián vừa rơi xuống đất thì đã hiện nguyên hình thành Từ Vinh. Đại Diên đá vào cái thây nói:

Kiếp này đã vụng đường tu,
Hãy đền tội lỗi, đền bù kiếp sau.

Đoạn, ngoảnh bảo Diên Thành Hầu:
-Thế là trừ được một con dâm quỷ. Hầu cứ bảo người nhà vứt thây nó xuống sông.
Diên Thành Hầu hết lời cảm tạ và sai người nhà mang mười lạng vàng tống tiễn Quốc sư về chùa.
Nhưng sáng hôm sau, giữa lúc Đại Diên đang tụng kinh thì một tên nô của nhà Diên Thành Hầu đã hốt hoảng chạy tới báo tin:
-Bạch sư cụ, cái thây hôm qua không chịu trôi. Nó cứ đứng sững giữa sông Cót trên mặt nước, tay chỉ vào nhà hầu tôi, mắt nhìn trừng trừng , rất dữ tợn. Hầu tôi kính mời Sư cụ tới trị ngay cho!
Nghe nói, Đại Diên theo đến, chỉ tay vào thây Từ Vinh, đọc một câu quyết:

Sống chết là giấc chiêm bao,
Dầu giận thế nào không để cách đêm

Tự nhiên cái thây chìm xuống nước và trôi đi mất.
Lại nói chuyện Từ Vinh có một người con trai tên là Từ Đạo hạnh. Chàng mới hai mươi lăm tuổi, rất chăm học và rất có hiếu.Cái đêm cha bị giết, Từ Đạo Hạnh được cha báo mộng cho biết sự tình và nhắc đi nhắc lại tên Đại Diên, dặn phải trả thù cho bằng được. Tỉnh dậy, chàng hốt hoảng đi tìm cha, và chàng xiết bao đau đớn khi thấy thây cha nổi lên mặt nước. Nóng lòng vì báo thù, chàng cầm côn đi tìm Đại Diên. Chờ lúc Đại Diên đi đường một mình, chàng đuổi theo kẻ thù toan chuyện phang cho một côn trên cái đầu trọc. Nhưng vừa định vung côn, chàng bỗng nghe văng vẳng bên tai có tiếng can của cha mình: “ Chớ! Chớ nóng nảy! Muốn bóc vỏ quýt dày cần có móng tay nhọn đã!”

Vì thế Từ Đạo Hạnh lại thu côn vào nách, nuốt giận trở về. Chàng tính chỉ có cách tìm thầy học phép mời trừ được kẻ thù lợi hại kia. Nghĩ vậy, chàng bỏ nhà đi khắp mọi nơi tìm thầy, thề quyết bao giờ “đắc đạo”mới chịu trở về.
Hồi ấy, ở miền ven biển phía Nam, có hai người bạn tâm giao: một người là Nguyễn Minh Không và một người là Dương Không Lộ.Cả hai người đều làm nghề chài lưới nhưng rồi rủ nhau cắt tóc đi tu.Sau bao nhiêu năm đọc kinh gõ mã vẫn chưa đắc đạo, một hôm Nguyễn Minh Không nói với bạn:
-Tôi nghe muốn nhìn được xa thì phải trèo lên núi cao, muốn uống nước ngọt thì phải tìm đến tận nguồn. Vậy muốn đắc đạo trừ phi tìm đến quê hương của Như Lai thì không còn cách nào khác.
Dương sẵn lòng đi với bạn, dù có gặp núi cao biển rộng, khó khăn đến đâu cũng không quản ngại.
Thấy hai chú tiểu cùng phát thệ đi đến đất Phật, một vị sư bác trong chùa cũng hăm hở đòi đi theo.Nhưng hồi ấy, đường đất từ nước nhà sang đến Thiên Trúc thật là muôn vàn nguy hiểm và vô cùng gian khổ. Cho nên sau khi đi được mấy ngày, vị sư bác đã thấy chùn chân, đành cáo bệnh trở về chùa cũ. Chỉ có hai người bạn trẻ vững lòng nhắm hướng Tây tiến bước.
Một hôm, họ đến một vùng núi cao. Hai người chui vào một ngôi miếu cổ bên đường để ẩn mưa, bỗng gặp một người trẻ tuổi đang ngồi đốt lửa sưởi ở trong đó. Họ bắt đầu làm quen vá biết rằng đấy là Từ Đạo Hạnh cũng lặn lội đi tìm thầy học phép để trả thù cha. Sau một đêm chuyện trò, ba người kết bạn với nhau.Từ Đạo Hạnh nhiều tuổi hơn được tôn làm anh cả, Dương Không Lộ thứ hai và Nguyễn Minh Không là em út.

Cuộc hành trình vất vả kéo dài mấy năm trời. Họ đã trèo qua bao nhiều là núi rừng, lội qua bao nhiêu là sông suối, chung sống với bao nhiêu là người dị chủng. Mặc cho ốm đau, đói khát, rách rưới họ vẫn không chịu nản.
Một hôm, vừa qua xứ Mán Răng Vàng,họ bỗng gặp một ông cụ chở chiếc thuyền độc mộc ở giữa sông. Họ gọi lại hỏi đường. Ông cụ cho biết là theo con đường sông này sang quê hương Phật tổ thì không còn bao lâu nữa. Ông cụ còn sẵn lòng chở họ đến nơi. Mừng quá, ba người xuống thuyền và thuyền đi nhanh vùn vụt, chả mấy chốc đã đến đất Phật.
Ông cụ lái đò chính là đức Phật Như Lai. Nghe tin có người thành khẩn mộ đạo đến nỗi không quản gian lai nguy hiểm, nên đức Phật hiện xuống ,dùng phép thần thông đưa họ đi. Nhưng khi nghe nói mục đích học đạo của Từ Đạo Hạnh thì đức Phật không bằng lòng.Cho nên khi đến nơi, ông cụ lái đò bảo Từ Đạo Hạnh ở lại trông thuyền cho hai anh em lên thăm dò trước đã rồi có gì sẽ trở lại báo sau. Thế rồi đức Phật đưa Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ về độ cho thành chính quả và truyền cho tất cả các thuật biến hóa huyền diệu. Sau khi đắc đạo, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không cúi đầu lạy tạ đức Phật rồi lên đường về nước.
Nói chuyện Từ Đạo Hạnh, ngồi chờ mãi không thấy hai em trở lại, trong bụng lấy làm lo lắng, chưa biết nên tìm cách gì. Xảy gặp một bà cụ già từ trên bờ đi xuống bến, xin sang sông.Chàng vui lòng chống đò giúp bà cụ,luôn tiện chàng hỏi thăm:
-Cụ có thấy một ông già và hai anh chàng đi về ngả ấy không?
Bà cụ đáp:
-Có.Họ đã gặp đức Phật và đã đắc đạo rồi!
Nghe nói thế,Từ Đạo Hạnh đoán chắc bà cụ này không phải là người phàm trần, vội sụp lạy kêu nài:
-Xin cụ rủ lòng thương cho, kẻ đệ tử này mối thù cha trong lòng canh cánh, không lúc nào nguôi.
Bà cụ vốn là một vị Bồ-tát được đức Phật sai đến đây, bèn trả lời:
-Chính vì tìm đến cõi Phật với một điều ác trong lòng nên không được độ.
Chàng mếu máo bày tỏ lời thề của mình trước linh sàng của cha cho bà cụ nghe và lạy lục, vật nài đến kỳ cùng. Bà cụ bảo:
-Nếu lấy oán báo oán sẽ không tránh khỏi nghiệp báo. Nhưng vì người có lòng thành khẩn nên ta cũng truyền cho.
Đoạn dạy cho Từ Đạo Hạnh mọi thuật biến hóa mầu nhiệm và để cho chàng có thể đối địch với kẻ thù, nên Bồ-tát còn dạy cho phép hô thần, tróc quỷ bằng cách tụng chú Đà-la-ni.v.v…
Thế là từ đó Từ Đạo Hạnh cũng biết một số phép thần thông. Cho nên, lúc Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không từ đất Thánh trở về thì chàng đã độn biết được trước, mới định tâm đùa một mẻ để hai bạn hoảng sợ chơi. Khi họ sắp sửa đến bến đò phải đi qua một khu rừng rậm, Từ đã hóa thành một con hổ lớn từ trong bụi xông ra định vồ, nhưng chàng không ngờ rằng hai bạn mình đều đã học được phép Phật, nên khi nhìn thấy hổ thì đếu đoán ra ngay đó là Từ. Họ đồng cười lên.Nguyễn Minh Không đi đầu nói:

Thôi đừng đùa cợt chi nhau
Muốn làm kiếp ấy rồi sau được làm.

Nghe thế, Từ Đạo Hạnh giật mình tỉnh ngộ. Nhờ phép thần, chàng thấy được kết quả của tội lỗi mình ở kiếp sau. Chàng bèn niệm chú hiện lại nguyên hình rồi cười đỡ thẹn:
-Anh chỉ định tâm thử chơi, không ngờ mua cười với hai em. Phép thuật của hai em như thế đủ biết không phải tầm thường.Anh chỉ mong em ba đến lúc đó sẽ hết sức giúp anh qua khỏi nghiệp chướng.
Thế rồi ba anh em lên đường về nước.Lần này, họ đi vùn vụt như tên, chả mấy chốc mà trước mắt họ đã thấy sông Lô, núi Tản. Ba người chia tay nhau .Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ trở về quê hương. Còn Từ Đạo Hạnh thì không về nhà. Chàng nghĩ bụng:-“Ta phải tìm một nơi nào yên tĩnh để tu luyện thêm cho đến chừng hơn hẳn kẻ địch, lúc bấy giờ sẽ gọi hắn đến đương trường tỷ thí chứ không them đánh lén lút”. Chàng bèn tìm đến thạch thất, vào một hang đá ngồi xếp bằng, tu theo lối trường định. Theo như lời dặn, hàng ngày chàng niệm chú Đà-la-ni một vạn tám nghìn lần.
Sau ba tháng mười ngày khổ luyện, tự nhiên một hôm chàng vừa đọc câu chú, bỗng có một vị thần mặt xanh mỏ đỏ hiện ra trước mặt rồi nói:
_Từ Đạo Hạnh, anh cần sai bảo gì, tôi xin tuân lệnh.
Từ biết là đạo pháp của mình đã đến ngày thông được với Thần, mừng quá vội nói:
-Ta cần trả được thù cha.Lập tức đưa ngày ta về kinh thành.
Thốt nhiên, chỉ trong nháy mắt, Từ Đạo Hãnh đã xuất hiện ở phía Bắc Hoàng cung. Chàng bước lần đến ngã ba sông Cót, ném xích trược xuống nước. Giữa dòng nước chảy xuôi, gậy cứ lừ lừ trôi ngược. Chàng đuổi theo cây gậy bấy giờ đã lướt sóng như một con rồng cho đến cầu Tây Dương thì dừng lại.Chàng vội tàng hình bước vào nhà Đại Diên.Bấy giờ Đại Diên đang ngồi nói chuyện trước một số đông quan khách. Chàng tiến đến trước mặt, hiện lại nguyên hình và bảo Đại Diên:
-Đại Diên! Mày có biết tao là ai không? Tao là Từ Đạo Hạnh, con Từ Vinh. Ác giả ác báo. Mày giết chết cha tao,tao phải giết mày! Thôi mày sửa soạn đi!
Biết là gặp phải đối thủ không vừa, Đại Diên khởi thế tấn công ngay.Nhưng phép thuật của hắn không thể nào đương nổi chiếc gậy thần của Từ Đạo Hạnh. Vì thế cuộc chiến đấu diễn ra không lâu. Chỉ một gậy của Từ giáng xuống, hắn ngã vật chết ngay, chỉ kịp nói được mấy tiếng:
-Hỡi Từ Đạo Hạnh, tao sẽ diệt mày!
Nói chuyện vua nhà Lý, hồi ấy tuổi đã già mà không có con. Bao nhiêu Hoàng hậu và Phi tần trong hậu cung chưa từng có một người nào chửa đẻ. Nhà vua hết cầu trời khấn phật, đến tìm thầy chạy thuốc, nhưng chẳng ích gì. Những bùa phép, thuốc men của các Pháp sư, các lang y, chả có một thứ nào ra hồn. Người ta đều nói, vì mẹ của vua ác nghiệt nên bị trời phạt như thế, mà trời đã phạt thì đừng hòng cưỡng lại.
Thất vọng, nhà vua dự định nuôi con nuôi. Một hôm, viên Chuyển vận sứ Thanh Hóa về kinh chầu vua, có báo một tin rất lạ:
-Một nhà dân chài ở miền biển có sinh một đứa bé thần dị. Lên ba tuổi, nó đã biết nói và tự xưng là Giác Hoàng. Nó biết tất cả các việc trên trời dưới đất và tất cả mọi việc trong triều,ngoài nội.Và điều này mới đáng chú ý là Hoàng thượng làm gì nó cũng biết cả.Nó còn tự xưng là con của Hoàng thượng.
Nghe nói thế, vua liền cho đứa bé về cung. Thấy mặt mũi nó sáng sủa, hỏi đâu biết đấy, nhà vua đem lòng yêu dấu, muốn nuôi làm con để một ngày kia trăm tuổi sẽ truyền cho ngôi báu. Có mấy vị đại thần khi nghe vua dò ý tứ thì vội can ngay:
-Tâu Bệ hạ, Bệ hạ làm thế sợ lòng dân không phục. Nếu nó linh dị như thế, sao không thác sinh vào cung để mang lấy dòng máu của Hoàng đế, lại đi làm kiếp con nhà bần tiện?
Nhà vua mang lời tâu ấy kể lại cho đứa bé nghe. Giác Hoàng xin vua dựng cho một cái đàn tràng, mời thầy làm lễ trong bảy đêm ngày, nó sẽ có cách đầu thai được. Vua mừng lắm. vội sai các quan làm y như lời nó dặn.
Tin ấy truyền đi khắp mọi nơi và đến tai Từ Đạo Hạnh. Biết ngay đó là kẻ thù của mình, chàng bèn tìm đến nhà chị ruột, đưa cho chị bốn lá bùa, nhờ về kinh đô, tìm đến đàn tràng, giắt lên mái; mỗi lá giắt về một phương. Quả nhiên sau đó ba ngày, Giác Hoàng bỗng bị bệnh nguy kịch.Gặp vua, hắn tâu:
-Tâu Bệ hạ, bây giờ thì khắp mọi nơi đâu đâu cũng có lưới sắt vây kín, không thể nào thác sinh được. Hạ thần chỉ còn chờ chết. Mong Bệ hạ trị tội Từ Đạo Hạnh, vì chính hắn đã âm mưu giết hạ thần và phá hoại cơ nghiệp lâu dài của Bệ hạ.
Nói xong thì chết.
Thấy Giác Hoàng chết,Vua nổi cơn thịnh nộ, lập tức sai người đi tra xét, quả bắt được mấy lá bùa có pháp ấn Từ Đạo Hạnh. Vua vội sai mấy đội vệ sĩ đi bắt Từ về kinh trảm quyết. Bị quân lính giải đi,Từ Đạo Hạnh không dám trái lệnh. Qua phủ đệ Sùng Hiền Hầu ở phía Tây kinh thành, chàng cố nài bọn họ cho mình vào yết kiến. Sùng Hiền Hầu nguyên là em ruột vua và cũng như vua, hắn không có con trai.Từ Đạo Hạnh chợt nghĩ ra được một kế.Cho nên khi gặp hắn, chàng cố nài hắn tâu giúp để vua tha tội cho mình. Đổi lại, chàng sẽ tìm cách đầu thai làm con hắn và chắc chắn thế nào cũng phải được. Sùng Hiền Hầu nghe bùi tai, liền đi vào Hoàng cung bênh vực cho Từ:
-Tâu Bệ hạ, không nên nghe lời một đứa bé để giết hại một nhà tu hành. Nếu Từ Đạo Hạnh mà diệt được Giác Hoàng thì phép thuật của Giác Hoàng sao ví được với Từ Đạo Hạnh.Bệ hạ nên lưu ý lại để dùng khi quốc gia hữu sự…
Nhân đấy, Từ Đạo Hạnh cũng tâu thêm:
-Tâu Bệ hạ, nó là tà ma ngoại đạo hiện ra để hãm hại mọi người.Bần Tăng không thể ngồi yên mà nhìn, để cho tà ma làm loạn cả chính pháp, nên vượt phép Bệ hạ trừ bỏ nó đi.Nay việc đã xong, Bần Tăng xin cuối đầu chịu tội.
Nghe mấy lời nói có lý, nhà vua dần dần nguôi giận ,tha bổng cho Từ.
Hôm đó, về đến nhà Sùng Hiền Hầu,Từ Đạo Hạnh xin phép vào gặp vợ hắn.Người nhà cho biết là phu nhân đang bận tắm.Từ bảo:
-Thế thì lại càng hay! Xin cho đưa vào ngay!
Bấy giờ người vợ Sùng Hiền Hầu đang giội nước trong buồng tắm, bỗng thấy có một vị Hoà thượng xô cửa bước vào.Trong lúc hoảng hốt, chưa kịp kêu la thì đã thoáng thấy ở trong bồn nước có bóng một đứa trẻ.Người đàn bà ấy chưa hiểu ra thế nào cả thì Từ Đạo hạnh đã bước ra khỏi nhà tắm.Dặn lại Sùng Hiền Hầu:
-Bao giờ phu nhân sắp ở cữ, xin cho người hỏa tốc báo tin cho biết ngay.
Dặn xong, đoạn lại trở về thạch thất.
Từ hôm ấy, Sùng Hiền Hậu trông trông mừng mừng. Một đêm nọ thấy vợ chuyển bụng,hắn theo đúng lời dặn,vội sai gia nhân phi ngựa lên thạch thất báo tin.Hôm đó,Từ Đạo Hạnh đang ngồi trước hang đá thuyết pháp.Học trò có đến hàng ngàn người vây quanh cửa hang.Bỗng có tin người nhà Sùng Hiền Hầu xin ra mắt Hòa thượng.Từ Đạo Hạnh bảo các môn đồ:
-Thời đã đến rồi vậy!Ta sắp sửa đi đây!
Nói xong, đọc mấy câu kệ dặn dò, rồi ngồi xếp bằng lại mà hóa.
Gữa lúc Từ Đạo Hạnh chết thì ở Thăng Long người vợ Sùng Hiền hầu sinh hạ một đứa con trai, đặt tên là Dương Hoán. Năm mười lăm tuổi, Dương Hoán được vua nuôi làm con.Và sau đó lấy làm đẹp lòng vì tính nết có thể giữa được ngôi báu dòng họ Lý,nhà vua phong cho làm Hoàng Thái tử.Năm hai mươi tuổi,Dương Hoán đã lên ngai vàng kế vị cha nuôi, trị vì thiên hạ, tức là Lý Thần Tông.
Nhưng sau khi lên ngôi báu được ba năm thì Lý Thần Tông bỗng bị một bệnh lạ lùng.Thoạt tiên, nhà vua thấy ngứa ngáy khắp cả mình mẩy, càng gãi bao nhiêu thì lông càng mọc nhiều bấy nhiêu.Mãi về sau, toàn thân mọc đầy thứ lông màu vàng có vằn đen như da hổ, miệng thỉnh thoảng lại gầm lên những tiếng dễ sợ.Nhà vua suốt ngày ngồi lù lù trong một góc buồng, áo quần mặc vào bao nhiêu xé rách bấy nhiêu.Trước tin này, khắp mọi thần dân đều ngơ ngác.Tất cả các viên ngự y đều lắc đầu bó tay, không biết bệnh gì mà chữa.Bọn nội thị kháo nhau:-“Có lẽ Hoàng đế hóa làm chúa sơn lâm thì phải”.
Triều đình và nội cung vì việc vua đau cuống quýt cả lên.Ngoài những vị lương y, còn có những pháp sư, phù thủy được triệu đến làm phù phép, nhưng luôn trong năm tháng, bệnh của vua chỉ ngày một tăng chứ không có giảm.Hoàng Thái hậu lo sợ quá, sai yết bảng rao:-“Nếu ai chữa được vua lành bệnh sẽ chia cho nửa nước”.
Thì bỗng nhiên, một hôm có vị đại thần đi ra ngoài cửa ô, nghe đám trẻ chăn trâu hát lên mấy câu:

Tập tầm vông!
Có ông Nguyễn Minh Không,
Chữa cho vua khỏi hóa.
Tập tầm vá!
Muốn chữa vua khỏi hóa,
Phải đón Nguyễn Minh Không.

Viên đại thần vừa ngạc nhiên, vừa mừng,vội về triều báo tin cho Hoàng gia biết.Lập tức triều đình phái một viên võ tướng mang năm trăm quân sĩ xuống mười chiếc thuyền lớn,xuôi sông đi về miền biển, triệu Nguyễn Minh Không.
Lại nói chuyện,từ khi chia tay hai bạn,Nguyễn Minh Không vào Ninh Bình trụ trì ở một ngôi chùa nhỏ,lấy tên là Giác Hải.Trong những cuộc đi chơi,chàng đã dùng pháp thuật của mình giúp đỡ mọi người.Một lần đi qua xã An Vệ, thấy người dân ở đây đang khổ vì đại hạn:lúa héo khắp cả cánh đồng.Chàng bảo người làng đan gấp cho mình một cái giỏ bằng tre thật lớn, ngoài phết giấy. Đoạn đưa ra sông cả múc nước, một mình đội về giội xuống ruộng.Nước chảy lênh láng khắp cả cánh đồng.Chỗ nước giội xuống, nay hóa thành cừ.Nhờ thế mà lúa lại mọc khỏe,dân làng lại được mùa.
Khi quân sĩ tìm được đến chùa thì Nguyễn Minh Không đang tụng kinh buổi trưa.Viên võ tướng mang quốc thư lên trình.Chàng đọc xong, quay lại nói với bọn họ:
-Bây giờ đã quá trưa, các vị đi đường chắc là đói bụng.Nhà chùa thanh đạm chẳng có gì, nhưng cũng mời tất cả các vị dùng cơm chay một bữa rồi hẵng nhổ sào cũng chưa muộn.
Nói đoạn chàng giục một chú tiểu bắc nồi thổi cơm và làm thức ăn.Nhìn thấy chú tiểu bắc một chiếc nồi tí tẹo lên bếp, lại thấy Hòa thượng giết thịt một con chim sẽ thì viên võ tướng không nhịn được cười:
-Bạch Hoà thượng, chúng tôi đi đây có đến năm trăm quân sĩ.Nay Hòa thượng cho ăn như thế chỉ sợ một người vẫn chưa thể nào thòm thèm,huống hồ là năm trăm người.Hiện nay lương thực còn ở dưới thuyền, xin để chúng tôi tự lo lấy cái ăn, khỏi phải làm phiền đến cửa Phật.
Nguyễn Minh Không đáp:
-Các vị chớ ngại, nhà chùa tuy nghèo, nhưng không để các vị phải đói đâu.
Nói xong,quay ra đun nấu một tý rồi bảo quân sĩ sắp hàng theo từng đội ngũ, lần lượt vào nhận phần cơm.Quân sĩ lũ lượt từng người đến trước hai cái nồi đất tý hon xới cơm và gắp thịt chim sẻ vào bát.Không ai không ngạc nhiên vì từ hai cái nồi mầu nhiệm ấy bới bao nhiêu lại đầy ùn lên bấy nhiêu.Nguyễn Minh Không luôn luôn giục họ bới cho thật đầy để ăn cho rõ no.Và rồi chỉ trong một lúc, năm trăm quân sĩ dự xong bữa tiệc của nhà chùa thết.
Ăn xong, chàng bảo họ ai về thuyền nấy nghỉ ngơi trước khi nhổ sào tiến kinh.Cả tướng lẫn quân quay ra làm một giấc ngủ ngon lành. Nhưng khi tỉnh dậy,tất cả mọi người đều hết sức sửng sốt, vì họ thấy mình đã đến bến Ngự từ lúc nào rồi.Nguyễn Minh Không theo viên tướng vào cung. Bấy giờ các pháp sư ngồi đầy cả điện Thái Hòa.Họ đang tụm năm tụm ba vẽ bùa thử phép rì rầm khắp nơi.thấy một nhà sư có vẻ quê mùa bước vào, họ liền bỉu môi:

Chuông khánh còn chả ăn ai,
Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre.

Chàng không nói gì cả,cúi đầu chào mọi người, rồi rút trong áo lấy ra một chiếc đinh dài, đóng sâu vào cột chừng một tấc, đoạn ngoảnh lại nói to lên, bảo mọi người rằng:
-Ai tay không nhổ được cái đinh này thì người ấy sẽ chữa lành bệnh cho Thiên tử.
Nghe nói thế, các pháp sư đều chạy lại thử rút cây đinh, nhưng chả một ai lắn nổi.Cuối cùng, Nguyễn Minh Không bước lại, dùng hai ngón tay khẽ rút ra như bỡn trước con mắt kính phục của mọi người.Thế rồi chàng đi thẳng vào nội điện, đến trước long sàng.Lý Thần Tông bấy giớ đang nằm ngửa, xunh quanh có đến hàng chục nội thị đang giữ lấy tay chân.Thỉnh thoảng, bệnh nhân lại gầm lên và cố sức giãy giụa.Nguyễn Minh Không nhìn trừng trrừng vào mắt bệnh nhân và nói lớn:
-Còn nhớ cố nhân nữa không? Được làm con Trời giàu có bốn biển mà cũng không thoát khỏi nghiệp báo ư?

Nghe nói, nhà vua bắt đầu có vẻ sợ, nằm im thin thít.Chàng sai đặt trước sân điện một cái vạc lớn đổ thuốc và dầu vào, bắt đầu nấu sôi lên sùng sục. Đoạn chàng xắn tay áo, thò tay vào vạc quấy đều lên.Chàng ra lệnh vực vua lại gần, rồi tự tay cầm gáo múc dầu trong vạc ra tắm cho vua.Dầu chảy đến đâu lông lá trôi đến đấy, da thịt nhà vua lại trắng trẻo như xưa.
Sau khi nhà vua lành bệnh, triều đình không ngớt lời khen ngợi phép thần diệu của Nguyễn Minh Không.Họ y ước, cắt đất phong thưởng, nhưng chàng không nhận nói:
-Bần tăng chỉ vì một lời hứa với người bạn cũ chứ không phải vì phú quý.
Đoạn bỏ về chùa cũ.

Khảo dị 1:
Truyện này đã được nhà chùa uốn nắn lại với dụng ý đề cao Phật giáo, lại cắt xén đi nhiều chỗ như những đoạn về Từ Vinh, về Từ Đạo Hạnh làm phép đầu thai,v.v…Mặt khác,câu chuyện còn bị nhập cục với truyện ”Sư Khổng Lồ”. Ở đây, chúng tôi dựa vào lời kể của nhân dân, khôi phục lại cái đoạn bị cắt, tách riêng truyện Khổng Lồ đúc chuông ra, vì nhận thấy nó có một kết cấu độc lập. Nhưng chúng tôi vẫn không làm sai nguyên ý của truyện thường kể.
Về chỗ nồi cơm thần diệu ăn mãi không hết, chúng ta còn có truyện Sự tích Bồ-tát Chân Nhân.Bồ-tát ở làng Bối Khê, huyện Thanh Oai(Hà Đông), cũng có những phép gần như phép Nguyễn Minh Không đãi khách.Bồ-tát Chân Nhân thuê một trăm người thợ dựng ngôi chùa lớn ớ núi Tiên Lữ.Mỗi bữa chỉ thổi một niêu con cơm.Lúc đầu đám thợ trông thấy đều bật cười.Bồ-tát bảo:
-Khi cơm chín cứ bới ra rá để tôi còn về quê lấy tương cà làm thức ăn.

Thợ lại càng cười, cho là nhà sư chỉ nói bỡn, vì quê của Bồ-tát cách đấy gần một ngày đường .Nhưng chỉ trong nháy mắt,Bồ-tát Chân Nhân từ chùa núi Tiên Lữ sang chợ Bảo Đà làng Đan Vị lấy hai lọ tương, một lọ muối, rồi từ chợ lại trở về chùa.Lúc về cơm vừa chín tới.Bồ-tát gọi thợ lại ăn, nhưng họ ăn không hết một niêu cơm, vì hễ bới lưng lại đầy.
Cổ tích và Phật thoại Ấn Độ cũng có truyện Du-đích-thi-ra nhận được của Mặt trời một nồi đồng lấy ra rau,thịt,cá vô tận; và Mác-nu-da vâng lệnh Phật sai đi quyên giáo không được gì, bỗng chốc thấy xuất hiện năm trăm bát đầy thức ăn;lại nhờ phépPhật mà hiện ra trước một nghìn vị Tỳ-khưu, mỗi người một bát đầy thức ăn,v.v…

Về chỗ Từ Đạo Hạnh học phép và kiếp sau của ông hóa hổ,sách Lĩnh ngoại u linh lục chép:lúc bấy giờ có Phật Bà giáng xuống chùa Tây Phương ở Sơn tây dạy đạo.Từ cùng hai ông bạn rủ nhau lên đó học phép của Phật bà.Hai ông kia sáng dạ nên buổi nào cũng được về trước, còn Từ tối dạ cứ phải ở lại sau.Một hôm, thấy Từ ngồi khóc,Phật bà hỏi duyên cớ, ông nói vì ở lại sau nên sinh xấu hổ.Phật bà thương hại,cho một cái gậy để có thể theo kịp hai ông bạn.Nhờ đó ông vượt trước họ một đoạn đường. Đến cửa chùa làng La Cả, ông ẩn vào một bụi rậm. Đợi hai bạn đến, Từ giả làm hổ gầm lên một tiếng đề lòe chơi.Không ngờ, một trong hai ông biết Từ bỡn cợt, bèn đọc câu “phát nguyện”rằng:

Phật cho như ý sở cầu,
Muốn làm loài ấy, kiếp sau được làm.

Kiếp thứ hai,Từ được giáng sinh cửa đế vương, tức là vua Lý Thần Tông, đang làm vua tự nhiên hóa hổ.
Đến kiếp thứ ba, Từ lại được giáng sinh vào cửa đế vương, tức là vua Lê Thần Tông, cũng đang làm vua tự nhiên hóa hổ.Triều đình nhờ đức Thượng sư nội đạo tràng ở Thanh Hóa về chữa.Lúc ấy, dân có dịch tễ. Thượng sư bận bèn sai môn đồ mình đi thay với phép “trịch hùng trì chú”.Sau khi thiết lập đàn tràng, môn đồ ra phép “hai tay đấm vào ngực, hai chân giẫm xuống đất, đọc chú ba lần”.Tự nhiên vua thấy nhẹ nhõm, lông lá rụng hết;diện mạo lại đẹp đẽ như xưa.

Khảo dị 2:
Xưa, Đạo Hạnh họ Từ, tên là Lộ, cha là Vinh theo học đạo Phật, làm chức Đô sát ngạch tăng quan đời Lý,thường đến chơi làng An Lãng (làng Láng gần hà Nội bây giờ)lấy người con gái họ Tăng tên là Loan dựng nhà ở xóm Nam làng ấy.Nhà ở được kiểu đất quý, sinh ra được Từ Đạo Hạnh có khí cốt tiên Phật, lúc còn trẻ hay chơi bời phóng túng, nhưng có chí lớn, cách cử động ít người lường biết.
Đạo Hạnh thường kế bạn với một nhà nho tên là Phi Sinh, một đạo sĩ tên là Lê Toàn Nghĩa và một người đàn hát tên là Phan Ất, đêm thì chăm đọc sách, ngày thì đánh cầu, thổi sáo, đánh bạc làm vui, thường bị cha mắng là đồ rông rài.Một đêm, cha lẻn vào dòm trong buồng, thấy bên ngọn đèn tàn, sách vở la liệt, Đạo Hạnh ngồi dựa án ngủ gật, tay vẫn cầm quyển sách. Từ đấy biết con chăm học,cha không lấy làm lo.Sau Đạo Hạnh thi khoa Bạch Liên, đỗ thứ nhất, nhưng không chịu ra làm quan, chỉ ngày đêm nghỉ cách phục thù cho cha.Nguyên trước đây, cha dùng pháp thuật vi phạm vào nhà ông Diên Thành Hầu.Nhà Hầu có vị Pháp sư tên là Đại Diên dùng bùa trấn áp, giết chết vứt xác xuống sông Tô Lịch.Xác trôi đến cầu Tây Dương, trước nhà Diên Thành Hầu, dừng lại đấy, suốt ngày không trôi đi.Hầu sợ báo cho Đại Diên biết.Diên tớinơi nói to lên rằng:
-Người tu hành không được giận mãn kiếp, nên biết:sống chỉ là một trường đùa bỡn, chết mới thành đạo Bồ đề!
Nói dứt lời, cái xác liền trôi đi, đến xứ Hàm Rồng thuộc xứ Nhân Mục thì dừng lại, người làng thấy thiêng mới dựng lăng, miếu và đắp tượng để thờ, hàng năm cứ đến ngày 19 tháng giêng là giỗ, tại đền có tế lễ.Còn mẹ, sau mất táng tại chùa Ba Lăng ở xã Thượng An, chùa Ba Lăng này tức là chùa Hoa Lăng, thờ hai vị Thánh phụ và Thánh mẫu.
Đạo Hạnh ở nhà thờ tự cha mẹ, lúc nàocũng nghĩ đến sự phục thù mà chưa có kế gì. Một hôm rình Đại Diên đi ra đường, Đạo Hạnh toan dùng pháp thuật cầm gậy xông đến đánh, chợt nghe trên không có tiếng thét:
-Không được! Thôi ngay đi!
Đạo Hạnh liền bỏ gậy trở về, trong lòng buồn bực đau xót, định sang nước Ấn Độ ở Tây Thiên học cho được thuật lạ về đánh Đại Diên. Đạo Hạnh bèn đi cùng với Minh Không và Giác Hải cùng đi, đến nước Sĩ Man, thấy đường đi rất hiểm trở nên định quay về.Bỗng thấy một cụ già chèo chiếc thuyền nhỏ đến bến sông, ba người cùng đến hỏi cụ già rằng:
-Thưa cũ, đây sang Tây Thiên còn xa không?
Cụ già đáp:
-Đường núi hiểm hóc đi bộ không được, tôi có chiếc thuyền này, có thể chở giúp các ông sang, lại có cây gậy cho các ông cầm, cứ chỉ thẳng về phía Tây thì sẽ đến ngay.

Nói xong, cụ già đọc câu kệ rằng:
Đạo lý đương nhiên lộ cộng hành,
Đa công viễn học, chí thành danh.
Uông dương vạn phái, hà lao thiệp.
Chi nhật Hoàng Giang đổ Thánh sinh

Đọc vừa dứt câu kệ, thì thuyền đã ghé bến Tây Thiên, phép thần thông thật là linh thiêng lắm vậy. Đạo Hạnh ở giữ thuyền,Giác Hải, Minh Không lên bờ học được phép thiêng, hai người liền trở về nước. ĐạoHạnh giữ thuyền tới ba ngày không thấy tin tức hai bạn, tự nhiên bỗng thấy một bà cụ đi đến. Đạo Hạnh vái chào rồi hỏi:
-Cụ có thấy hai người lên học đạo không?
Bà cụ hỏi:
-Hai người đó đã học được nhiều phép thiêng của ta và trở về nước rồi!
Đạo Hạnh bèn vái lạy và kể rõ cho bà cụ biết:Ba người cùng đi học đạo, thực đáng buồn vì hai người nỡ bỏ mình về trước! Bà cụ nghe nói,liền sai Đạo Hạnh gánh hai thùng nước về nhà, rồi bà cụ dạy cho mọi phép thiêng, lại trao cho phép rút đất và lời thần chú Đà-la-ni. Đạo Hạnh giận hai bạn phụ mình,mới đọc một câu thần chú,Minh Không và Giác Hải đang đi đường, bị lời thần chú đau bụng quá, phải ngồi nghỉ. Đạo Hạnh lại dùng phép rút đất, tiến về phía trước, ẩn vào bụi rậm ở xã Ngải Cầu thuộc huyện Từ Liêm,hóa hình làm con hổ gầm thét xông ra coi rất ghê sợ.Hai người bèn nhìn nhau lấy làm kinh lạ.Bề ngoài tuy lấy làm lạ, nhưng vì đã có phép thiêng , sáng suốt, phân biệt thực hư, cho nên biết ngay là Đạo Hạnh hóa mình,mới nói rằng:
-Ngươi muốn biết kiếp sau, ta sẽ nói cho mà nghe!
Đạo Hạnh nghe nói tỉnh ngộ, liền hiện lại nguyên hình rồi bảo hai bạn rằng:
-Chúng ta cùng học đạo của đức Thế Tôn, nhưng tôi còn vướng trần duyên, sau này sẽ lại ra thế gian ở ngôi nhân chủ, lúc ấy sẽ không tránh khỏi bệnh nạn,các anh có duyên với ta xin cứu cho.
Thế rồi bỏ mối giận cũ, ba người cùng truyền phép thuật:xuống nước,lên không; bắt rồng, hổ phải hàng phục;xuất quỷ nhập thần không ai lường được. Đạo Hạnh được nhường làm anh cả, rồi đến Minh Không,còn Giác Hải là em thứ ba.Chỗ gặp nhau nay gọi là cầu Báo.
Minh Không, Giác Hải về chùa Giao Thủy, Đạo Hạnh thì lên tu luyện ở chùa Thiên Phúc, thuộc huyện Thạch Thất, Sơn Tây.Trước chùa có hai cây thông cổ người ta thường gọi là cây “rồng”. Đạo Hạnh hàng ngày trông vào cây mà đọc chú “Đại bi tâm Đà ni la”, đọc tới ức vạn lần, cây thông rơi dần từng cành, rồi cả hai cây đều mất hết.Biết rằng đức Quan Thế Âm đã ứng hộ lời chú, Đạo Hạnh càng ra tâm tụng kinh đọc chú, cầu cho thấu đến Thiên đường.Một hôm thấy vị thần đến trước mặt, đứng lơ lửng không sát đất, Đạo Hạnh hỏi:
-Vị thần nào đó?
Thần thưa rằng:
-Đệ tử là Tứ Trấn Thiên Vương,cảm vì nhà thầy có công đức tụng niệm, cho nên lại hầu để thầy sai bảo.
Đạo Hạnh xét biết mình đã thông cả lục trí,có thể báo được thù cha, mới về ở làng An Lãng.Một buổi ra cầu An Quyết ở sông Tô Lịch, ném cây gậy xuống sông, gậy đứng dựng trên mặt nước chạy ngược dòng như bay, đến cầu Tây Dương thì dừng lại. Đạo Hạnh mừng nói: “ Phép của ta hơn hẳn Đại Diên rồi!” Liền xông vào nhà Đại Diên, Diên trông thấy, bảo rằng:
-Người không nhớ việc trước à?
Đạo Hạnh trông lên không, chẳng thấy gì, mới đánh chết Đại Diên, đem xác quăng xuống sông Tô Lịch để trả lại thù trước.
Thù đã trả xong, mối tục lụy đã lắng, Đạo Hạnh mới đi chơi khắp các nơi rừng sâu để cầu ấn quyết.Nghe nói Cao tăng Trí Huyền ở Thái Bình tu rất đắc đạo, mới đích thân yết kiến, hỏi về “chân tâm”, đọc câu kệ rằng:

Cửu hỗn phàm trần vị thức câm,
Bất tri hà xứ thị chân tâm.
Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện,
Liễu kiến như như, đoạn khổ tầm.
Trí Huyền cũng đọc mấy câu kệ đáp lại:
Bí quyết chân truyền trị vạn câm,
Cá trung mãn mục thị thiền tâm.
Hà sa cảnh giới ưng hưu thoại
Bất tất Bồ đề cách vạn tầm.

Đạo Hạnh chưa hiểu được rõ,mới sang chùa Pháp Vân hỏi sư Sùng Phạm.
Phạm đáp:
-Cái gì mà chẳng là chân tâm!
Đạo Hạnh nghe hiểu luôn,mới trở về chùa Thiên Phúc,huyện Thạch Thất tu đạo và luyện phép như trước.Từ đó pháp thuật ngày càng cao, lòng thiện ngày càng chín, khiến được các chim, các thú đến đầy trước mặt để sai bảo.Dân ở quanh vùng ấy hễ có bệnh tật đến xin bùa dấu đều được khỏi luôn, lấy đạo giúp người, mọi người đều được nhờ ơn.
Bấy giờ vua Lý Nhân Tông (1072-1127) không có con trai, cầu tự mãi cũng không được, em Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu,bèn mời Đạo Hạnh đến nhà cầu tự cho mình, để sau con mình sẽ được lập làm Thái Tử. Đạo Hạnh xin đầu thai để tạ ơn.Bấy giờ Sùng Hiền Hầu phu nhân đang tắm trong phòng, bỗng thấy Đạo Hạnh hiện hình ở trong thùng nước.Phu nhân kinh hãi nói với Hầu.Hầu đã biết ý, mật bảo phu nhân rằng:
-Thấy hình ở trong thùng nước tức là chân nhân đã nhập thai rồi, đừng sợ!
Thế rồi phu nhân có mang. Đạo hạnh khi từ biệt ra về có dặn rằng:
-Đến ngày phu nhân sinh đẻ,xin báo cho biết ngay.
Đến ngày sinh,phu nhân khó đẻ.Sùng Hiền Hầu nói:
-Phải kíp báo cho Cao Tăng biết.
Đạo Hạnh được tin, họp các đồ đệ,bảo rằng:
-Ta chưa hết nhân duyên với đời,lại phải thác sinh làm vua ở nhân gian, khi nào chết về làm chủ”Tam thập tam thiên”, nếu thấy chân thân của ta bị nát hết, bấy giờ ta mới vào cõi “bất sinh,bất diệt”.
Các đồ đệ đều cảm tiếc ứa nước mắt khóc, Đạo Hạnh đọc kệ rằng:

Thâm thu bất báo nhạn lai qui
Di sử nhân gian động phát bi
Trứ tích, thời nhân hưu luyến trước
Cổ sư kỷ độ tác kim sư.

Đọc xong, lên động tiên, đập đầu vào vách đá, nện chân lên bàn đá rồi hóa.Nay vết đầu và vết chân trên đá vẫn còn in.
Đó là ngày mồng 7 tháng 3 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112), Đạo Hạnh từ cõi Nát bàn về cõi đời thác sinh làm con trai Sùng Hiền Hầu, không cần nuôi mà chóng lớn, không cần học mà thông suốt, người đẹp và có tài vô song.Vua Lý Nhân Tông đem vào trong cung nuôi dạy, rồi lập làm Hoàng Thái Tử. Đến khi Nhân Tông mất,Thái Tử lên nối ngôi, tức là vua Thần Tông.
Năm Bính Thìn(1136),Thần Tông đã 21 tuổi, bỗng phát bệnh ,mình mọc đầy lông, biến hình như con hổ.Các danh sư trong nước đến chữa rất nhiều, bệnh vẫn không khỏi.Minh Không và Giác Hải nghe tin biết là đúng với lời trước, liền đặt ra câu ca dao cho trẻ con hát: “ Muốn chữa Lý cửu trùng, phải đi tìm Nguyễn Minh Không”. Câu hát truyền đi, triều đình nghe được, mới sai sứ đến chùa Giao Thủy đón Minh Không về kinh đô chữa bệnh.Minh Không và Giác Hải thổi một niêu cơm rất nhỏ mời quan quân ăn. Quan quân rất đông người mà ăn mãi không sao hết. Đoạn Minh Không và Giác Hải cùng với sứ giả xuống thuyền.Minh Không bảo quan quân hãy tạm nằm nghỉ, đợi sáng nước triều lên hãy cho thuyền đi.Ai nấy nằm ngủ yên giấc,hai sư dùng phép làm cho thuyền không cần chèo lái mà đi nhẹ như tên, chốc lát đã đến bến kinh đô.Hai sư đánh thức mọi người dậy, thì trông lên đã thấy Tháp Báo Thiên rồi!Mọi người đều rất kính phục.
Sứ giả mời hai sư vào trong điện, các sư trong nước ngồi đó rất đông, thấy hai sư hình dáng cục mịch, ăn mặc cũ kỹ, nên coi thường không ai đứng dậy.Hai sư bèn lấy một cái thanh sắt ở trong túi ra dài ước 5 tấc đóng lên cột điện,lấy tay vỗ lên cái đanh cắm rất sâu vào gỗ.Hai sư dõng dạc cất tiếng nói:
-Ai nhổ được cái đanh này ra thì mới chữa được bệnh vua.
Mọi người lần lượt hết sức nhổ đanh không được.Minh Không lấy hai ngón tay trái nhổ đanh ra dễ như chơi.Bây giờ ai nấy đều phục Minh Không có phép lạ.
Minh Không sai lấy một cái vạc to, đổ 12 hủ dầu và bỏ một trăm cái đanh vào vạc, lại sai lấy một cành cây hòe,rồi xin rước vua ra chỗ đó.Minh Không nhường cho Giác Hải đốt lửa đun vạc, lửa cháy rất mạnh, dầu sôi lên sùng sục.Minh Không nhúng tay vào trong vạc dầu lấy đủ 100 cái đanh ra.Giác Hải nhường Minh Không làm phép,Minh Không lấy cành hòe nhúng xuống dầu, vẩy khắp mình vua rồi nói lớn lên rằng:
-Đã làm đến Thiên tử sao lại còn bệnh thế?
Dầu vẩy đến đâu, lông trên mình vua biến hết đến đấy,vuốt ở chân tay cũng rụng đi tiệt, bệnh vua liền khỏi,thân thể lại tươi đẹp và khoan khoái như trước.
Sau khi vua mất, chùa Thiên Phúc hiện lên khí thiêng lạ thường, ai trông thấy cũng phải kinh sợ. Địa phương tâu lên,vua Anh Tông(con vua Thần Tông) liền sai sứ lên tế, tôn phong làm “Thượng đẳng tối linh thần”.
Khi Đạo Hạnh hóa, xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho, người làng lấy làm lạ, để vào trong cái khám để thờ. Đến thời Vĩnh Lạc (1403-1424) nhà Minh, quân Minh sang ta, đến chỗ này thấy mùi thơm nức,tìm đến trong khám thấy Chân nhân một vị đạo nhân, nét mặt tươi như lúc còn sống.Người Minh cho là “Tiên’,mới rước sang chùa Hương Sơn làm phép hỏa táng.Lửa đốt đến bảy đêm ngày vẫn không cháy đến “Chân thân”, người Minh định bỏ, đến đêm mộng thấy người đến bảo:
-Chân thân ta trải qua đời Lý tới nay không nát, phép thiêng không phải là ngẫu nhiên.Nay các người muốn hỏa táng, phải lấy gỗ rào mộ mới mà đốt thì mới được.
Người Minh làm theo như thế, quả nhiên đốt được cháy, bèn nhặt lấy tro đắp thành tượng, bỏ vào khám cũ để thờ ở bên trái chùa Thiên Phúc.
Trong thời Quang Thuận (1460-1469), đời vua Lê Thánh Tông, Trường Lạc Hoàng hậu sai Thái Úy Trinh quốc Công ( Nguyễn Đức Trinh?) lên động chùa Thiên Phúc cầu tự. Khi làm lễ, có một phiến đá ở ngoài động bay vào, Trinh Quốc Công mang về trình Hoàng hậu. Ít bữa sau, Hoàng hậu mộng thấy rồng vàng vào bên sườn, rồi có mang, sinh ra vua Lê Hiến Tông.Nhân thế mới dựng am “ Hiển thụy” ở chùa Thiên Phúc, có khắc bia để ghi.Từ đó, chùa càng nổi tiếng thiêng, nhà nước và dân gian cầu đảo việc gì cũng được linh ứng.Tới nay, hương khói không lúc nào dứt.
Sự tích Thiền sư Đạo hạnh kết thúc bằng việc nhà sư chết đi, đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu để về sau nối ngôi vua, trở thành Lý Thần Tông. Việc Lý Thần Tông là hậu thân của Từ Đạo Hạnh hiện còn thấy qua việc bố trí tượng thờ của Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà tây) và chùa Láng (Quận Đống Đa, Hà Nội). Đó tất nhiên là chuyện bịa, phản ánh đầu óc mê tín dị đoan của người xưa.Nhưng đối với chúng ta, thì điều đó có nghĩa là Tăng sĩ đời Lý không những tham gia vào việc chính trị của Nhà nước mà còn can thiệp vào nội bộ hoàng gia:những việc chữa bệnh cho vua, cầu tự, làm cho Hoàng hậu có con, lập Hoàng Thái tử,v.v….đều có sự tham gia của các nhà sư.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh là một nhân vật được miêu tả với những nét kỳ dị hoang đường. Thiền Uyển Tập Anh kể về việc nhà sư báo thù cho cha như sau…” Cha nhà sư dùng pháp thuật làm phật ý Diên Thành Hầu,Hầu sai Thiền sư Đại Diên dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch.Xác trôi tới cầu An Quyết, đến trước cửa nhà Diên Thành Hầu, hốt nhiên đứng dựng lên, trỏ vào nhà, ở lại đấy suốt một ngày không trôi đi. Diên Thành Hầu sợ hãi, nói với Đại Diên. Đại Diên đến và hét lên: “ Người đi tu không được phép giận quá một ngày”. Dứt lời thì thây đổ xuống mà trôi đi. Lộ tìm cách báo thù cho cha, nhưng chưa nghĩ ra kế gì.Một hôm rình Đại Diên ra ngoài, định đánh, chợt nghe trên không trung có tiếng thét: “Dừng lại!” Lộ sợ hãi, quẳng gậy mà chạy.Lộ muốn sang nước Ấn Độ cầu phép lạ để đánh Diên, đường đi qua đất rợ Răng Vàng, thấy hiểm trở quá bèn quay về, ở ẩn tại núi Từ Sơn, hàng ngày đọc kinh Đại bi-tâm-đà-la-ni, đọc trọn 18.000lần.Một hôm, thấy có vị thần đến trước mặt, thưa rằng: “Kẻ đệ tử là Tứ trấn Thiên vương, cảm phục công đức trì kinh của thầy, nên lại đây theo hầu để thầy sai khiến”. Lộ biết rằng đạo pháp đã thành, thù cha có thể rửa, bèn đi đến cầu An Quyết, ném thử cây gậy xuống dòng nước chảy xiết. Gậy trôi ngược dòng nước tới cầu Tây Dương thì dừng lại,Lộ mừng mà nói rằng: “Phép của ta thắng được rồi!”.Bèn đến thẳng chỗ Diên ở, Diên thấy mặt nói rằng: “Mày không nhớ việc ngày trước hay sao?”.Lộ nhìn lên không trung, không thấy gì, bèn đánh liền,Diên đau thành bệnh mà chết.Từ đó, thù xưa đã rửa, tục lự nguôi dần, mới du ngoạn các miền rừng rú để tìm ấn chứng…Phép lực ngày càng mạnh, duyên thiền ngày càng kết.Các giống rắn núi, thú rừng đều đến quanh mình chịu sự dạy dỗ.Lộ đốt ngón tay cầu đảo, chú phép lạ vào nước trị bệnh, không điều gì không ứng nghiệm…”.
( Văn học VN-Đinh Gia Khánh chủ biên-NXB.GD 2001)

Khảo dị 3:
Sách Thiền Uyển Tập Anh kể rằng:Sư ở chùa Thiên Phúc[52],họ Từ ,tên Lộ.Cha là Vinh, làm quan tới chức Tăng quan Đô án, thường đi học tại làng An Lãng.Lấy một người con gái họ Tăng rồi theo quê vợ.Sư là con nàng Tăng thị vậy.
Lúc nhỏ, Sư ham chơi, tính tình hào hiệp,có chí lớn, lại có hàng động nói năng người đời không thể lường được. Sư thường kết bạn với nhà Nho Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nghệ sĩ phường chèo Vi Ất. Đêm, Sư khổ công đọc sách, ngày thì thổi sáo, đánh cầu, đánh bạc làm vui.Thân phụ thường trách Sư biếng nhác.
Một hôm ông lén vào phòng ngủ của Sư để rình xem, thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống, Sư đang dựa án mà ngủ, tay chưa rời quyển sách, tàn đèn rơi đầy mặt bàn.Từ đấy ông cụ không lo nữa.
Sau đó ứng thi điện thí tăng quan đỗ khoa Bạch Liên. Chẳng bao lâu cha Sư là Vinh dùng tà thuật làm mất lòng Diên Thành Hầu, Hầu nhờ Pháp sư Đại Diên dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch.Xác trôi đến cầu Quyết là chỗ nhà Hầu, bỗng đứng thẳng lên mà chỉ tay vào nhà, suốt ngày không đi.Hầu sợ, đi báo cho Đại Diên, Đại Diên đến nơi đọc một câu kệ: “Tăng giận không cách đêm”.Đọc xong, xác đáp lại trôi đi.
Sư nghĩ cách phục thù cho cha, nhưng tìm kế không ra. Một hôm Sư rình Diên đi ra khỏi nhà, muốn đánhlén, chợt nghe trên không có tiếng la: “Đừng! Đừng!”.Sư sợ hãi vứt cây mà chạy.Sư muốn sang Ấn Độ, tìm học phép linh dị để chống lại Đại Diên. Đi đến xứ Mọi răng vàng, đường sá hiểm trở, Sư bèn trở về ẩn tại núi ấy, hằng ngày chuyên tụng chú Đại bi tâm đà la ni đủ 10 vạn 8 ngàn biến. Một hôm Sư thất thần nhân đến trước mặt mình nói: “Đệ tử là Tứ Trấn Thiên Vương, cảm động đức trì chú của Sư, nên đến đây xin hầu để Sư sai bảo”.Sư biết đạo nên đến đây xin hầu để Sư sai bảo”. Sư biết đạo pháp của mình đã thành, có thể trả thù cha mới đến bên Quyết, cầm gậy, thử ném xuống dòng nước chảy xiết, gậy trôi ngược dòng như con rồng, đến cầu Tây Dương dừng lại.Sư mừng nói: “ Pháp ta thắng rồi!”.Bèn đến thẳng chỗ Đại Diên, Diên thấy nói:
“Ngươi không nhớ việc ngày trước sao?”
Sư ngửa mặt nhìn lên trời, niệm tục tiêu tan.Sư dạo khắp tùng lâm, hỏi xin ấn chứng. Nghe Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, Sư nhún mình đến tham yết, trình hỏi chân tâm bằng bài kệ:

“Lâu lẫn bụi đời chửa biết vàng
Chẳng hay đâu chốn, ấy lòng chân
Nguyện xin chỉ rõ bày phưong tiện
Thấy trọn như như khỏi nhọc tìm”.
Trí Huyền đáp lại bằng bài kệ:
“Tiếng ngọc lặng đưa lời nhiệm mầu
Ở trong tỏ rõ ý thiền nao
Bồ-đề đạo đó hà sa cõi
Muốn tới còn xa mấy vạn sào”.

Sư mù mịt không hiểu, mới đến giảng hội của Sùng Phạm chùa Pháp Vân hỏi: “ Thế nào là chân tâm?”.
Phạm hỏi lại: “Cái gì chẳng phải là chân tâm?”.
Sư tỉnh ngộ nói: “ Làm thế nào bảo đảm?”.
Phạm đáp: “Đói ăn, khát uống”.
Sư lễ tạ, từ giã ra đi, Từ đấy pháp lực có thêm, duyên thiền càng thục, có thể sai rắn núi, thú rừng,họp nhau đến chịu thuần phục, Sư bấm đốt ngón tay cầu mưa, đọc chú dùng nước chữa bệnh, không gì là không tức khắc ứng nghiệm”.
Có vị Tăng hỏi: “Đi, đứng ,nằm ,ngồi đều là tâm Phật, thế nào là tâm Phật?”.
Sư dạy bài kệ:
Tạo có,mảy may có
Làm không, tất cả không,
Có không như trăng nước,
Chớ vướng có không không”.
Lại bảo:
“Trời trăng đỉnh núi cao
Người người mất hết châu
Kẻ giàu có ngựa tốt
Đi bộ chẳng cỡi câu.”
Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông không có con nối dòng.Tháng 2 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112), người phủ Thanh Hóa dâng sớ tâu rằng: “Trên bãi cát biển, có đứa bé linh dị, tuổi mới lên ba mà đã biết nói, tự xưng là con đích của bệ hạ, tên là Giác Hoàng.Hết thảy những gì bệ hạ làm, không gì là nó không biết”.
Vua sai trung sứ đến xem, quả đúng như lời tâu, bèn rước về kinh đô, để ở chùa BáoThiên. Vua thấy đứa bé thông minh khác thường, rất đỗi thương mến, sắp lập thành Hoàng Thái tử.Quần thần hết sức can gián, cho là không được, và nói: “Nếu đứa bé kia quả thật linh dị thì nên thác sinh vào cung cấm, sau mới có thể lập”. Vua theo lời, truyền mở đại hội bảy ngày đêm, làm phép thác thai.
Sư nghe chuyện, riêng nóirằng: “Thằng kia yêu dị, làm mê hoặc người lắm.Ta há nhẫn tâm ngồi nhìn chẳng cứu, để nó làm loạn lòng người, phá rối Chánh Pháp sao!”.
Nhân thế, sai chị mình giả làm người đi xem hội, bí mật đem vài hạt châu do Sư kiết ấn, treo trên mái diềm.Hội đã ba ngày, Giác Hoàng nhuốm bệnh , nói với mọi người: “Đầy khắp cả nước đều đã có lưới sắt bủa vây, tuy muốn thác sinh,mà sợ không có đường vào”.
Vua nghi Sư chú giải, sai người tra hỏi, Sư quả nhận tội, bị giam ở lầu Hưng Thánh, hợp quần thần nghị tội.Khi Sùng Hiền Hầu đi quang qua, Sư kêu van: “ Xin hết sức cứu bần tăng một phen,may thoát tội, ngày sau tất xin đầu thai làm con để đền ơn”.
Hầu nhận lời. Đến lúc hội nghị, quần thần đều nói: “ Bệ hạ vì không có con, nên mới cho Giác Hoàng thác sinh, thế mà Lộ liều lĩnh dám làm chú giải, nên kết án tử hình để tạ lòng thiên hạ.”
Hầu chậm rãi thưa: “ Nếu Giác Hoàng có thần lực, thì dù có trăm Lộ chú giải cũng không làm hại được.Nay trái lại như thế thì Lộ vượt xa Giác Hoàng vậy.Thần ngu muội trộm nghĩ, nó tỏ phục Lộ thì đừng cho y thác sinh”.
Vua xá tội.
Sư đến nhà Hầu tạ ơn, gặp lúc phu nhân đang tắm, Sư ép nhìn phu nhân.Phu nhân nổi giận, đem chuyện thưa lại với Sùng Hiền Hầu.Hầu đã biết rõ nguyên nhân nên rốt cuộc không hỏi han gì.Phu nhân từ đó biết mình có thai.Sư dặn Hầu rằng: “ Khi nào lâm bồn thì nên báo trước cho biết”.
Đến ngày đủ tháng, Sư nghe tin báo, bèn thay quần áo, tắm rửa, bảo đồ chúng rằng: “ Túc nhân ta chưa hết, còn phải ra đời lại, tạm làm Quốc vương. Đến khi thọ chung, lại làm Thiên tử cõi trời Tam thập tam.Nếu thấy chân thân hư nát, thì lúc ấy ta mới vào Niết Bàn, không ở cõi sinh diệt nữa”.
Đồ chúng nghe xong, không ai là không động lòng rơi lệ.Sư nói bài kệ rằng:
“Thu sang không báo nhạn về đây
Cười nhạt người đời thương xót thay
Nhắn bảo môn nhân thôi luyến ái
Thầy xưa bao thuở vẫn thầy nay”.
Nói xong kệ, Sư nghiễm nhiên mà hóa, đến nay, xác thoát vẫn còn.
(Thiền Uyển Tập Anh, Lê Mạnh Thát dịch.NXB,TPHCM-1999)

Giới thiệu Đông Thích 176 bài viết
Trụ trì chùa Bề Đề Cổ Tự Chuyên gia từ thiện bằng cái Tâm Uy tín - Chất lượng - Minh Bạch
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận