Ngài tu ở chùa Cổ Sơn,làng Thừ, quận Ái. Không biết người ở đâu, Sư họ Đỗ, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, hiểu rõ việc nước. Nhỏ đã xuất gia, thờ Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy. Sau khi đắc pháp, Sư nói ra lời nào cũng phù hợp với sấm ngữ.
Đang vào lúc nhà Lê mới dựng nghiệp, trù kế hoạch định sáng lược, Sư tham dự đắc lực. Đến khi thiên hạ thái bình, Sư không nhận phong thưởng, Vua Lê Đại Hành càng thêm kính trọng, thường không gọi tên, chỉ gọi Đỗ Pháp sư và đem việc soạn thảo văn thư giao phó cho Sư.
Năm Thiên Phúc thứ 7 ( 987) người Tống là Nguyễn Giác sang sứ, vua sai Sư cải trang làm kẻ lái đò để theo dõi hành động của y. Gặp khi có hai con ngỗng bơi trên sông, Giác ngâm chơi rằng:
“Song song ngỗng một đôi
Ngửa mặt ngó ven trời”.
Sư đang cầm chèo, ngâm tiếp:
“Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi”.
Giác do đó thán phục.
Vua thường đem vận nước dài ngắn hỏi Sư. Sư đáp:
Vận nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh.
Năm Hưng Thống thứ 2 (990) Sư tịch, thọ 76 tuổi (925-990).
(Thiền Uyển Tập Anh-Lê Mạnh Thát dịch-NXB,TPHCM 1999).
Khảo dị
Đỗ Pháp Thuận, nhà Sư, nhà Sử, nhà Thơ, thường được gọi là Đỗ Thuận hay sư Thuận là người học rộng, tho hay, giỏi việc đối đáp nên được vua Lê Đại Hành mời vào triều bàn việc nước. Nhiều lần vua định phong chức nhưng ông đều không nhận.
Vào mùa xuân năm 987, vua Tống lại sai Lý Giác sang sứ nước ta. Vua Lê Đại Hành biết Lý Giác là người giỏi văn thơ nên đã sai sư Thuận giả làm người chèo đò ra đón sứ Lý Giác ở chùa sông Sách Giang. Khi qua sống, Lý Giác trông thấy xa xa có hai con ngỗng trời bay, liền đọc hai câu thơ:
“Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha”
Dịch Nghĩa:
“Ngỗng ngỗng, hai con ngỗng
Ngửa mặt nhìn chân trời”
Sư Thuận nghe xong, tay vẫn nhịp nhàng chèo thuyền và đọc tiếp 2 câu thơ sau thành một bài thơ tứ tuyệt:
‘Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba”
Dịch nghĩa:
“Nước lục phô lông trắng
Chèo hồng sóng xanh bơi”
Lý Giác thấy người lái đò cũng hay chữ như vậy đã kinh ngạc và cảm phục. Khi về đến công quán, Lý Giác làm một bài thơ gửi cho sư Thuận. Bài thơ viết bằng chữ Hán:
(Dịch):
“May gặp thời binh giúp kế hay
Thân này hai lượt sứ Giao Châu.
Đông đô mấy độ còn lưu luyến,
Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu,
Ngục vượt khói mây xuyên sóng núi,
Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu.
Ngoài trời lại có trời soi nữa.
Sóng lặng khe dầm bóng nguyệt thâu”.
Sư Thuận đem bài thơ ấy dâng vua. Vua triệu sư Khuông Việt vào xem. Khuông Việt nói: “Bài thơ này sứ giả tôn bệ hạ không khác gì vua của ông ta”. Vua khen bài thơ và tặng Lý Giác rất hậu. Khi Lý Giác từ biệt, vua sai Khuông Việt làm một bài thơ tiễn chân. Bài thơ theo điệu “ Tống Vương lang quy”.
Dịch:
‘Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương
Trông vị thần tiên về đế hương.
Muôn lần non nước vượt trùng dương.
Đường về bao dặm trường,
Tình lưu luyến chén đưa đường,
Nhớ vị sứ lang
Xin lưu ý việc biên cương,
Tâu rõ lên thánh hoàng”.
Lý Giác lạy tạ vua lên xe về Bắc.
Xin nói đôi điều về bài thơ “QUỐC TỘ” (Vận nước) của Thiền sư Pháp Thuận (915-990).
Phiên âm:
ĐÁP QUỐC VƯƠNG QUỐC TỘ CHI VẤN
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch nghĩa:
TRẢ LỜI NHÀ VUA HỎI VỀ VẬN NƯỚC
Vận nước như dây mây leo quấn quýt
Ở cõi trời Nam (mở ra) cảnh thái bình.
Vô vi ở nơi cung điện
(Thì) khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.
Vô vi là một thuật ngữ trong Đạo đức kinh của Lão Tử, là một triết thuyết của Đạo Lão. Vô vi không có nghĩa là không làm gì cả, mà có nghĩa là thuận theo tự nhiên, không làm trái với tự nhiên. Đạo cũng chính là bản nguyên của vũ trụ. Nhưng với Nho giáo của Khổng Tử thì vô vi được hiểu như là hệ quả của một nền chính trị tốt đẹp và ngược lại, một nền chính trị tốt đẹp phải đạt tới vô vi! Khổng Tử viết trong Luận Ngữ: “Vô vi nhi trị giả, kỳ Thuấn dã dư?” (vô vi mà thịnh trị, đó là vua Thuấn chăng?). Thuấn và Nghiêu là hai vị vua hiền.
Ở thời Nghiêu và Thuấn, thiên hạ an lạc, ra đường không ai nhặt của rơi, ban đêm không phải đóng cửa, người người ấm no, vua nhàn nhã ngồi mà cai trị, chả phải khó nhọc gì. Chu Hi còn chú giải thêm cho rõ ý Khổng Tử: “Vô vi mà thịnh trị là vì bậc thánh nhân có đức thịnh, nên cảm hoá được nhân dân, không phải làm gì hơn”…
Xem thế thì đủ biết Thiền sư họ Đỗ dùng chữ Vô vi ở đây với đầy đủ các nghĩa của chữ này. Nghĩa là ở chính cái ngai vàng mà nhà vua đang ngự, ở chính nơi điện các này của nhà vua mà thực hiện được vô vi, mà đạt được đến vô vi, thì hiển nhiên “xứ xứ dứt binh đao” thiên hạ sẽ thái bình, đất nước sẽ vững bền như dây mây quấn quýt.
Toàn bộ bài thơ bốn câu được cấu trúc bởi hai cặp Nhân – Quả, theo quan niệm phổ biến của Phật giáo. Nó là khẳng định, nhưng nó cũng là giả định. Một vấn đề chính sự lớn lao như thế, bề bộn như thế, vẫn có thể là rất nhẹ nhàng, nếu như thuận theo lẽ trời (tự nhiên), thuận theo lòng người (tự nhiên).
Thiền sư muốn nhắc nhở người cầm quyền tối thượng, đang ngồi trên ngai vàng kia, nếu như có đức lớn, thực hiện được vô vi, trước hết là ở nơi điện các (hiểu rộng ra tức tầng lớp lãnh đạo cao cấp) thì đất nước sẽ thái bình, vững mạnh. Ngày Nghiêu tháng Thuấn, điều ấy chẳng phải gắng sức khổ công, cũng tự nhiên phải đến, như một quy luật tất yếu của muôn đời vậy!