Sự tích chùa Bóng (Quang Minh Tự) Hải Dương

Chùa Quang Minh (光明寺) tọa lạc trên địa bàn thôn Hậu Bổng (tên nôm là làng Bóng), xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chùa còn có tên gọi khác là Viên Quang (tục gọi là chùa Bóng) – một đại danh lam, một thánh tích chốn thiền môn. Các thư tịch cổ như Lĩnh Nam chích quái, Công dư tiệp ký, Đại Nam nhất thống chí…đều có chép về chùa này.
Chùa Bóng được khởi công xây cất vào cuối thời Trần. Lúc đầu, chùa chỉ có quy mô nhỏ, vật liệu thuộc loại thường. Các đời nối nhau cũng tổ chức trùng tu, nhưng chùa Bóng cũng chẳng thể nhờ thế mà tồn tại được thật lâu. Năm 1578, triều đình vua Lê Thế Tông ( 1573-1599) và phủ chúa Trịnh Tùng (1570-1623) đã cấp kinh phí để xây cất lại chùa Bóng gần như mới hoàn toàn. Đến cuối thế kỷ mười chín, chùa Bóng vẫn còn nổi tiếng là một trong những ngôi chùa đẹp. Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn chép rằng: “ Chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc có ngàn cây xanh biếc, bốn mặt nước trong, xa xa phía trước có đường cái chạy qua và có dòng sông bao bọc, thật xứng đáng là một thắng cảnh của thiền lâm”.
Quang Minh tự rất đẹp, nhưng ngôi chùa này được biết đến nhiều nhất không phải là vẻ đẹp của khuôn viên nơi chùa tọa lạc, mà trước hết là bởi công lao hoằng dương Phật pháp và đạo hạnh của một trong số các bậc cao tăng Trụ trì tại chùa này là Thiền sư Huyền Chân ( tức Ma-ha Sa-môn). Quang Minh tự sự tích cho hay, Thiền sư Huyền Chân người làng Hàm Nghi, xả Danh Hương (nay thuộc huyện Kiến xương, tỉnh Thái Bình) thế danh là Đức, sinh và mất năm nào chưa rõ. Sách Công dư tiệp ký của Tiến sĩ Vũ Phương Đề ( 1698-?) còn cho biết thêmrằng, Thiền sư Huyền Chân cũng tức là Thiền sư bật Sô.
Tương truyền rằng khi đã về già, một hôm, Thiền sư Huyền Chân nằm mơ thấy Phật A Di Đà ( Amitabhâ) đến nói cho biết rằng:
-Ngươi dày công với Phật sự đã lâu, lòng tư bi của ngươi đã dược Phật Tổ thấu hiểu, vì thế, đến kiếp sau, ngươi sẽ được làm Đại đế ở phương Bắc.
Tỉnh dậy, Thiền sư Huyền Chân liền kể hết với đệ tử của mình và dặn:
-Sau này, lúc thầy viên tịch, các con hãy lấy son viết lên vai thầy mấy chữ An Nam quốc, Quang Minh tự, Sa Việt Tì khưu trước khi đem nhục thân của thầy đi hỏa thiêu.
Đệ tử chăm chú lắng nghe và về sau làm theo đúng ý của Thiền sư Huyền Chân.Nếu dừng lại ở đó, chuyện này bất quá chỉ có Thiền sư Huyền Chân cùng các đệ tử và một số Phật tử nhất định nào đó của chùa Quang Minh biết được mà thôi.
Năm Hoằng định thứ sau (tức năm Giáp Thìn 1604), triều đình vua Lê Kỉnh Tông ( 1599-1619) và chúa Trịnh Tùng ( 1570-1623) mở khoa thi Hội, lấy đỗ bảy vị, gồm hai Hoàng Giáp và năm Tiến sĩ. Trong số năm Tiến sĩ này, có Nguyễn Tự Cường[29], người làng Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại ( nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Ông sinh năm 1570, tức khi đỗ đại khoa, ông đã 34 tuổi, làm quan, trải phong dần đến chức Lễ Bộ Hữu thị lang, tước Xuân Quận công. Ông từng được cử đi sứ sang nhà minh ( Trung Quốc) và chuyện ly kỳ về Thiền sư Huyền Chân gắn chặt với chuyến đi sứ này của ông. Tương truyền, khi sang Trung quốc, Hoàng đế của Trung Quốc lúc bấy giờ là Minh Thần Tông ( tức Chu Hủ Quân, sinh năm 1563, lên ngôi năm 1572, mất năm 1620, hưởng thọ 57 tuổi), có nói với Nguyễn Tự Cường rằng:
-Người ở nước Nam, vậy có biết chùa Quang Minh của nước Nam ở đâu hay không?
Nguyễn Tự Cường đáp là không biết. Minh Thần Tông nhân đó mới nói với Nguyễn Tự Cường rằng:
-Lúc mới sinh ra, trên vai ta đã có hàng chữ son, nói rõ kiếp trước của ta chính là vị Thiền sư ở chùa Quang Minh. Nay, ta muốn xóa dòng chữ ấy đi mà chưa biết phải làm như thế nào.
Nguyễn Tự Cường thưa:
-Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần. Nếu Bệ hạ là kiếp sau của Thiền sư Trụ trì chùa Quang Minh thì phải lấy nước giếng của chính chùa Quang Minh mới có thể rửa được.
Về nước, Nguyễn Tự Cường đem việc này tâu với triều đình. Triều đình quyết định lấy nước giếng của chùa Quang Minh tiến dâng cho Minh Thần Tông. Minh Thần Tông dùng nước ấy để rửa thì quả là rất hiệu nghiệm, vì thế, đem 300 lạng vàng thưởng cho Nguyễn Tự Cường. Ông liền đem toàn bộ số vàng này cúng cho chùa Quang Minh để lo việc trùng tu.
Ghi chép của Quang Minh tự sự tích chuẩn xác đến mức độ nào, có lẽ chúng ta sẽ bàn đến vào một dịp khác. Ở đây, điều đáng nói nhất lại là ở chỗ, dân làng Bóng, dân Gia Lộc, dân Hải Dương, dân của một bộ phận xứ Đàng Ngoài thuở trước, rất tin rằng, kiếp sau của Thiền sư Huyền Chân chính là vua Minh Thần Tông bên Trung Quốc. Sao lại chẳng thể tin, khi mà chuyện gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của một bậc đại khoa Nho học, từng là người cầm đầu phái bộ sứ giả của nước nhà sang Trung Quốc? Sao lại chẳng thể tin, khi mà chuyện liên quan đến những quyết định hệ trọng của triều đình vua Lê-chúa Trịnh đương thời?
Xưa nay vẫn vậy, đôi khi vì mãi tìm cái sai, người ta không còn thấy được cái đúng ở đâu nữa. Có địa linh tất sẽ sinh nhân kiệt. Xin hãy gạt ra ngoài những điều khó tin để thấy một niềm tin đúng đắn và mãnh liệt của dân làng Bóng, dân Gia Lộc…rằng, nếu Thiền sư Huyền Chân là nhân kiệt thì đất quê hương họ, nơi Thiền sư Huyền Chân tu hành, chính là địa linh. Trong mọi niềm tin, niềm tin rằng đất sinh thành của mình thực sự là địa linh, có lẽ đáng xếp vào hàng thiêng liêng và có giá trị quan trọng nhất. Nghị lực vươn lên, chí tiến thủ và bản lĩnh vào đời của mỗi người thường có một trong những nguồn gốc tạo lập từ đây. Vị trí của Phật giáo trong văn hóa Việt Nam nào phải chỉ bó hẹp trong những trang giáo lý, trong những buổi thuyết giảng, trong những nghi lễ chùa chiền…Lý lịch của Thiền sư Huyền Chân trong Quang Minh tự sự tích chừng như còn có một cái gì đó đặc biệt hơn, đáng quý hơn và đã góp phần làm tỏ rõ được điều này.
Triết lý sống của tổ tiên ta là vậy. Tất cả những ai trọn kiếp dày công tu nhân tích đức đều là những người sống mãi với muôn kiếp sau. Như Thiền sư Huyền Chân chẳng hạn. Ngẫm mà xem!
(Truyện kể về một trong những bậc Trụ trì của chùa của Gs.Nguyễn Khắc Thuần)
(Giác Ngộ số 163 ra ngày 15/5/99)

Giới thiệu Đông Thích 168 bài viết
Trụ trì chùa Bề Đề Cổ Tự Chuyên gia từ thiện bằng cái Tâm Uy tín - Chất lượng - Minh Bạch
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận