
Đền Đồng Cổ nằm ở phố Thụy Khuê Hà Nội là ngôi đền gần 1000 năm tuổi, gắn bó với lịch sử Thăng Long, Hà Nội.
Năm Thuận Thiên thứ 19, tức 1028, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) băng hà. Thái tử Lý Phật Mã được các đại thần và tướng lĩnh tôn lên ngôi vua tại cung Long Đức.
Trước ngày đăng cơ, thái tử nằm mộng thấy thần Đồng Cổ báo mộng, dặn đưa tướng Lê Phụng Hiểu và lính theo vào cung. Quả nhiên hôm sau, ba người em của thái tử là Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương, Vũ Đức Vương đem quân bản bộ mai phục trong thành, khi thái tử đi từ cửa Tường Phủ tới điện Càn Nguyên thì bị ba vương vây đánh. Lê Phụng Hiểu dũng mãnh xông lên, chém Vũ Đức Vương gục tại chỗ, khiến hai vương kia bỏ chạy, về sau bị bắt lại. Sử gọi đây là loạn tam vương.
Sau khi dẹp yên phản loạn, thái tử lên ngôi, là vua Lý Thái Tông, tha tội cho các vương. Vua cho dựng đền Đồng Cổ ở Yên Thái, nay là phố Thụy Khuê Hà Nội. Vua còn sắc phong cho thần Đồng Cổ là “thiên hạ minh chủ”, và lập hội thề Trung Hiếu mà dân gian hay gọi là hội thề Đồng Cổ vào ngày 25 tháng 3 âm lịch (sau đổi thành ngày 4 tháng 4 âm lịch do trùng ngày kỵ của vua).

Hội thề đền Đồng Cổ là hội thề quan trọng của triều Lý, quan lại, hoàng thân nào vắng mặt sẽ bị phạt tiền và phạt roi. Tại hội thề, quan lại, hoàng thân, vương tôn đều phải đọc to lời thề “Nếu làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh tru diệt”.
Hồi những năm 2008, nhiều nhà văn hoá đề xuất khôi phục hội thề đền Đồng Cổ nhân dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cũng là khôi phục cái thịnh vượng, huy hoàng của Hà Nội thời Lý. Dự kiến quan chức của chính phủ, thủ đô đại diện cho cả nước lên thề liêm chính, trong sạch để thần minh và trời đất chứng giám. Nhưng ý kiến đưa ra bàn mấy lần, mà ai cũng kêu thề thốt như vậy là mê tín dị đoan, lạc hậu, hủ tục. Cho nên thôi.