Phật giáo qua tranh: phật A Di Đà và phật Thích Ca: là hai hay là một?

Tác giả: Diệu Vợi – nguồn Soi.today

Trong bài trước, bạn La Thần có hỏi: phật A Di Đà với phật Thích Ca là hai hay là một?

Câu này cũng có bạn hỏi tương tợ trên mạng, và câu trả lời được Yahoo Hỏi-Đáp bình chọn hay nhất là:

Chư Phật đều giống nhau.
Các Ngài vốn đã Vô Ngã, không còn chấp vào cái tên nữa. Do đó, Phật Thích ca cũng là Phật A Di Đà, Phật Di Đà cũng là Phật Thích Ca.
Chỉ có phàm phu mới còn chấp vào cái tên mà phân biệt Phật này, Phật kia.

Diệu Vợi thì xin làm kẻ phàm phu để trả lời với La Thần rằng: đó là hai vị phật riêng biệt.

Cả hai tuy cùng là thái tử, cùng từ bỏ kinh thành, đi tu rồi thành Phật, nhưng phật A Di Đà là giáo chủ của Tây Thiên Cực Lạc (an vui), còn phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của cõi Ta bà (đau khổ).

Phật Thích Ca là nhân vật có thực trong lịch sử (tên là Tất-đạt-đa Cồ-đàm), là người lập nên đạo Phật.

Chân dung được cho là của phật Thích Ca năm 49 tuổi, do môn đệ là Tôn giả Phú Lâu Na vẽ. Nghe nói bức này hiện có tại Bảo tàng Anh quốc. Có bạn nào đang ở Anh đã từng đến xem chưa nhỉ? (Toàn bộ hình là lấy từ internet. Trong cả bài này, các bạn nhớ bấm vào hình để xem bản lớn hơn).

Qua lời giảng của phật Thích Ca, môn đệ ngài mới biết đến… phật A Di Đà – một vị Phật đã có từ trước đó “mười ức kiếp”, đang cai quản một thế giới cực lạc. Theo phật Thích Ca, khi còn ở cõi Ta bà này, người ta nên phấn đấu để được tái sinh vào thế giới cực lạc ấy bằng cách tu tập, thành tâm hướng về.

Theo lời giảng của phật Thích Ca, những người hằng tâm tu tập và niệm phật A Di Đà, lúc lâm chung sẽ thấy phật A Di Đà cùng hai vị bồ tát đi cùng hiện ra đưa về tái sinh ở cõi Tây thiên Cực lạc.

Trên tranh, phật A Di Đà thường được có thân (hoặc áo cà sa) đỏ, là màu mặt trời lặn ở cõi Tây. Cà sa phật A Di Đà có khoét vuông ở cổ, trước ngực có chữ vạn. Đầu phật có các xoắn ốc tóc. Nếu ở tư thế ngồi thì ngồi kiết già trên tòa sen, tay bắt ấn thiền định (hai ngón cái chụm đầu vào nhau, các ngón còn lại đan nhau), trên tay có một cái bát, là dấu hiệu của giáo chủ (cõi Tây Thiên).

Tượng phật A Di Đà ở chùa Nhật

Tranh vẽ phật A Di Đà với cà sa đỏ khoét cổ vuông, đầu có các xoắn ốc tóc. Tay ở ấn thiền định, ngồi kiết già trên tòa sen.

Một số tranh, tượng có thêm con công là phương tiện di chuyển của phật A Di Đà.

Phật A Di Đà cưỡi công

Về hình này, theo bạn Nghi Thủy thì “không phải là là đức Phật A-di-đà! Bức tượng đó là vị Khổng tước Minh vương”. Các bạn đọc thêm phần bổ sung, dẫn giải của bạn Nghi Thủy trong các cmt bên dưới bài.

Bạn cũng hay thấy tranh, tượng thể hiện phật A Di Đà ở tư thế đứng một mình, vẫn trên đóa hoa sen, nhưng như lơ lửng trong không trung. Bên dưới là biển cả nổi sóng (cõi Ta Bà). Mắt phật nhìn xuống, miệng hơi mỉm cười nhân từ, tay phải buông xuống để chờ cứu vớt chúng sinh đang chìm trong bể khổ.

Tượng phật A Di Đà ở chùa Nhật

Nhưng nhiều nhất, bạn hay thấy phật A Di Đà bên cạnh có hai vị đại Bồ tát: Quán Âm (bên trái Phật, cầm cành dương và bình nước cam lồ) và Đại Thế Chí (bên phải Phật, cầm bông sen xanh).

Ở đây có đổi thứ tự trái phải một chút: Phật A Di Đà (giữa) với Bồ tát Đại Thế Chí (bên trái hình, áo xanh, Bồ tát Quán Thế Âm (bên phải hình, áo trắng). Tranh cổ Nhật, cuối triều Goryeo (918-1392)

Phật A Di Đà cùng hai vị bồ tát cai quản cõi Tây Thiên cực lạc.

Trong khi đó, tượng phật Thích Ca thường được vẽ một mình, hai bên không có hai vị bồ tát. Phật mặc áo cà sa vàng, choàng chéo qua vai, đầu thường có một búi tóc cao. Tay phật có thể ở các tư thế khác nhau như ấn xúc địa (chạm đất), ấn vô úy (không sợ hãi), ấn giáo hóa, ấn thiền định…

Tượng phật Thích Ca với áo cà sa không khoét cổ, tóc có búi, tay ở một thế ấn thiền định.

Tượng phật Thích Ca với tay ở ấn chuyển pháp luân.

Phật Thích Ca với tay ở ấn vô úy

Ngoài ra, ở nhiều chùa, tượng phật Thích Ca là dạng Đức Phật mới sinh, với tay chỉ thiên tay chỉ địa.

Nói vậy, nhiều khi trên tranh-tượng, các họa sĩ, nghệ nhân cũng thể hiện… đa dạng lắm, chưa kể Phật ở mỗi nước còn có thể mang hình dạng khá là khác nhau.

Nhưng tóm lại, A Di Đà và Thích Ca là hai vị khác nhau. Vậy thì, lời khấn cũng khác nhau chứ:
Nam mô A Di Đà Phật” là “Đem thân và tâm kính ngưỡng về Phật A Di Đà”

Còn “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” là “Đem thân và tâm kính ngưỡng về Phật Thích Ca Mâu Ni”

Bạn biết thế nhé, để đứng trước tượng Phật nào thì niệm đúng tên Phật nấy. Thí dụ như mình, từ khi phân biệt được hai phật là khác nhau thì mình hay khấn phật Thích Ca mỗi khi vào chùa.

Chú thêm: Kiến thức bài này toàn là mình cóp nhặt trên mạng. Nếu thấy sai chỗ nào, các bạn nhớ sửa nhé, cho mình học thêm luôn.

Comment của bạn Nghi Thủy về Khổng tước Minh Vương

Đăng bởi:  NGHI THỦY

Nhân tiện, đề cập đến hình tượng vị Phật cưỡi trên chim công (Khổng tước), tôi xin đính chính, bổ sung một điểm nữa trong bài viết của bạn Diệu Vợi.
Bức hình (thứ 6, trên xuống) bạn dùng trong bài viết về đức Phật A-di-đà… không phải là là đức Phật A-di-đà! Bức tượng đó là vị Khổng tước Minh vương.
Khổng tước Minh vương (skr. Maha-mayuri-vidya, rajni; âm Hán: Ma-ha ma-du-lợi la-xà), còn gọi Khổng tước vương, Khổng tước Phật mẫu Đại minh vương. Là vị Minh vương thứ 6, ngồi đầu cực Nam của viện Tô-tất-địa trong Hiện đồ mạn-đà-la Thai tạng giới Mật giáo.
Căn cứ, Đại Khổng tước Minh vương họa tượng đàn tràng nghi quỹ, hình tượng vị này hiện tướng 1 mặt, 4 tay, cưỡi chim Khổng tước màu vàng ròng. Các tay lần lượt cầm hoa sen, quả cụ duyên, quả cát tường, lông đuôi chim khổng tước, tượng trưng cho 4 pháp tu: hoa sen tượng trưng cho pháp Kính ái, quả cụ duyên tượng trưng cho pháp Điều phục, quả cát tường là pháp Tăng ích, lông đuôi chim công là pháp Tức tai.
Vị Minh vương này là thân Đẳng lưu (một dòng/ những pháp có cùng đặc tính) của đức Phật Tì-lô-giá-na (Vairocana, Pháp thân), có đức nhiếp thủ và hàng phục, Nên, nếu ngài ngồi trên hoa sen trắng thì biểu thị cho bản thệ Từ bi, nhiếp thủ; nếu tòa ngồi là sen xanh thì biểu thị cho đức chiết phục.
Ngoài ra, theo Hiện đồ mạn-đà-la Thai tạng giới, hình tượng vị này được vẽ màu da người, có 2 tay, ngồi trên tòa sen đỏ, tay phải cầm lông đuôi chim khổng tước, tay trái cầm hoa sen, Mật hiệu là Phật mẫu kim cương, hình tam-muội-da là lông cánh chim công.
Theo đó, cho thấy, hình tượng chư Phật, bồ-tát được miêu tả rất phong phú và phức tạp, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa theo truyền thống Kim cương thừa ( Mật tông). Hành trạng, hạnh nguyện, hóa thân của mỗi vị sẽ được biểu hiện qua màu sắc, tư thế, pháp khí v.v. tương ứng. Người mới bước đầu tìm hiểu sẽ không khỏi lúng túng và khó tránh được những nhầm lẫn giữa vị này vị nọ, cũng như ý nghĩa. Do đó, sự cẩn trọng trong nghiên cứu là điều hết sức cần thiết.
[Theo: kinh Khổng tước vương chú. Tăng-già-bà-la dịch, đời Lương. kinh Đại khổng tước chú vương, q. Thượng. Nghĩa Tịnh dịch, đời Đường. Thai tạng giới thất tập, q. Trung]
Tham khảo: – Phật Quang đại từ điển, t.2, Thích Quảng Độ dịch. Hội Văn hóa Giáo dục Linh sơn Đài Bắc xuất bản, 2000.
– Từ điển Phật học Huệ Quang, t.3, Thích Minh Cảnh chủ biên. Nxb. Tổng hợp Tp. HCM xuất bản, 2010

Giới thiệu Đông Thích 176 bài viết
Trụ trì chùa Bề Đề Cổ Tự Chuyên gia từ thiện bằng cái Tâm Uy tín - Chất lượng - Minh Bạch
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận